Những lãnh đạo nào của Bộ Y tế "dính chàm" 2 năm qua?

PV Thứ ba, ngày 07/06/2022 18:05 PM (GMT+7)
Ngày 7/6, "Thủ lĩnh" của ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã bị cách chức và khai trừ ra khỏi Đảng. Và không chỉ ông Long, hai năm qua, hàng loạt lãnh đạo trong Bộ Y tế cũng đã vướng vòng lao lý.
Bình luận 0

Cơ quan điều tra làm việc tại nhà cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, sáng 7/6 có 2 xe biển xanh của lực lượng chức năng xuất hiện tại nhà ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) ở tổ hợp số 671 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội. Sau hơn 2 giờ làm việc, ông Long lên xe rời đi cùng một số cán bộ .

Cũng trong buổi sáng ngày 7/6, Quốc hội thông qua nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long. Kết quả bỏ phiếu kín có 473/479 đại biểu đồng ý bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội; 471/479 đại biểu đồng ý phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Những lãnh đạo Bộ Y tế "ngã ngựa" trong thời gian qua  - Ảnh 1.

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 6/6 tiến hành họp bất thường và quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nói về vi phạm của ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, ông Nguyễn Thanh Long đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á trong quá trình cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức; hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương với bộ kit xét nghiệm để việc ban hành các thông báo giá các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán Covid-19 trái quy định.

Từ những hành vi vi phạm trên, các cơ quan chức năng kết luận ông Nguyễn Thanh Long suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; gây bức xúc trong xã hội; gây ảnh hưởng, giảm uy tín của tổ chức đảng Bộ Y tế.

Ngoài ông Long, hàng loạt các lãnh đạo, cán bộ Bộ Y tế cũng đã vướng vào vòng lao lý trong thời gian qua.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Bị tuyên phạt 4 năm tù liên quan đến vụ thuốc ung thư giả

Chiều 19/5, TAND TP Hà Nội tuyên phạt cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường 4 năm về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 285 Bộ luật hình sự 1999.

Những lãnh đạo Bộ Y tế "ngã ngựa" trong thời gian qua  - Ảnh 2.

Bị cáo Trương Quốc Cường trình bày tại phiên tòa. Ảnh: Xuân Ân

Ông Trương Quốc Cường bị cáo buộc khi giữ chức Cục trưởng Quản lý dược đã thực hiện không đúng, đầy đủ trách nhiệm được giao; thiếu giám sát dẫn đến việc có 6 trong 7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu, tiêu thụ.

Ông Cường nhiều lần được cảnh báo từ Bộ Y tế và A83 Bộ Công an về thuốc giả nhưng "bỏ qua", tiếp tục cho sản phẩm được lưu hành. Tại tòa, đại diện Viện kiểm sát cho rằng hành vi của ông Cường gây hậu quả nghiêm trọng.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang: Bị khởi tố liên quan đến vụ Công ty Dược Cửu Long

Ngày 13/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận điều tra vụ án hình sự "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan.

Những lãnh đạo Bộ Y tế "ngã ngựa" trong thời gian qua  - Ảnh 3.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang

C03 đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố ông Cao Minh Quang - cựu thứ trưởng Bộ Y tế - về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn: Bị khởi tố liên quan đến vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Việt Á

Tháng 12/2021, Cơ quan điều tra khởi tố bị can ông Nguyễn Minh Tuấn để điều tra về những sai phạm liên quan trong vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 của lãnh đạo Công ty Việt Á. Ông Tuấn bị C03 khởi tố để điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.

Theo kết quả điều tra ban đầu vụ "thổi giá" kit xét nghiệm được Bộ Công an công bố, CDC Hải Dương mua kit xét nghiệm RT-PCR của Việt Á với giá 470.000 đồng/kit, mức giá này được xác định là có kê khống, bao gồm tiền "hoa hồng". Nhưng thật tréo ngoe, chính Bộ Y tế lại giới thiệu mức giá này cho các tỉnh.

Thời gian qua, Bộ Y tế nhiều lần gửi công văn tới sở y tế các địa phương, các bệnh viện, viện nghiên cứu trực thuộc bộ ngành, thông báo danh sách sinh phẩm/trang thiết bị y tế xét nghiệm COVID-19 đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu.

Những lãnh đạo Bộ Y tế "ngã ngựa" trong thời gian qua  - Ảnh 4.

Từ trái sang phải: Bị can Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên tại Cơ quan điều tra (Ảnh Bộ Công an)

Theo văn bản ngày 2/7/2021 do Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế khi đó là ông Nguyễn Minh Tuấn ký gửi các sở y tế, bệnh viện, viện trực thuộc bộ, cập nhật danh sách sinh phẩm, giấy phép, khả năng cung ứng và giá bán kit xét nghiệm, vật tư do các đơn vị cung ứng công bố, Bộ Y tế đã giới thiệu bộ kit xét nghiệm Việt Á ở vị trí số 1, với khả năng cung ứng 3 triệu kit xét nghiệm/tháng, giá 470.000 đồng/kit.

Đây là một trong số văn bản của Bộ Y tế gửi các tỉnh thành, cập nhật danh mục và giá kit xét nghiệm, vật tư y tế, giá kit xét nghiệm PCR LightPower của Việt Á luôn là 470.000 đồng/kit.

Ông Tuấn đã giữ vị trí Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế 2 nhiệm kỳ, nhiệm kỳ 2 kết thúc vào tháng 4/2021 và trước khi bị cách chức đang ở giai đoạn được kéo dài thời gian giữ chức vụ.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên: Bị khởi tố liên quan đến 2 vụ án: Kit Việt Á và Công ty Dược Cửu Long

Tháng 3/2022, ông Nguyễn Nam Liên tiếp tục bị cáo buộc không kiểm tra, đánh giá việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá mua nguyên liệu khi thanh lý hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Công ty Dược Cửu Long.

Sai phạm này khiến nhà chức trách không phát hiện ra việc Công ty Dược Cửu Long đã được giảm giá mua nguyên liệu số tiền 3,848 triệu USD để thu hồi về Bộ Y tế, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước.

Trước đó, vào tháng 12/2021, ông Nguyễn Nam Liên là bị can trong vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.

Theo đó, 31/12/2021, C03 Bộ Công an khởi tố ông Liên để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Kết quả điều tra xác định có dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm Kit test Covid-19 tại Bộ Khoa học và Công nghệ và trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời, cấp phép đăng ký lưu hành chính thức sản phẩm kit test Covid-19, việc hiệp thương giá sản phẩm với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.

Cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Dương Huy Liệu: Bị khởi tố liên quan đến vụ Công ty Dược Cửu Long

Cùng với ông Cao Minh Quang, ông Dương Huy Liệu, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cũng bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố.

Những lãnh đạo Bộ Y tế "ngã ngựa" trong thời gian qua  - Ảnh 5.

Bị can Dương Huy Liệu, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế (Ảnh: Bộ Công an)

Ông Liệu bị điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến bê bối trong vụ mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate phòng chống dịch cúm A/H5N1 vào năm 2006.

Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Liệu đã không kiểm tra, không đánh giá việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá mua nguyên liệu khi thanh lý hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long.

Do đó cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã không phát hiện ra việc công ty này được giảm giá mua nguyên liệu số tiền hơn 3,8 triệu USD để thu hồi về Bộ Y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước...

Thời gian qua, hàng loạt Giám đốc, Phó Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng đã bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến nhiều vụ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế.

Cụ thể: Ngày 24/1, trong vụ án liên quan đến Công ty BMS, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng cho 637 bệnh nhân, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: Nguyễn Ngọc Hiền (cựu phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) lãnh 3 năm 6 tháng tù…

Nguyễn Quang Tuấn, nguyên giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đang bị bắt giam để điều tra, liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan.

Ngoài ra, liên quan đến vụ Việt Á và hàng loạt vụ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, trong hơn 2 năm qua (từ 2020 đến nay), ngành y tế đã có hàng chục lãnh đạo, cán bộ các Sở Y tế, các CDC, các bệnh viện đã bị khởi tố, bắt giam, xử phạt…

Đồng thời, nhiều lãnh đạo, cán bộ ngành y tế khác bị kỷ luật, khiển trách, cách chức, chuyển công tác...

Mời các bạn xem video: Cơ quan điều tra làm việc tại nhà cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 7/6:

Cơ quan điều tra làm việc tại nhà cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. VD: Quỳnh Nguyễn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem