Thủ tục đặc biệt sau đề nghị hủy Quyết định Giám đốc thẩm vụ án ly hôn giữa vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên

Quang Trung Thứ sáu, ngày 14/01/2022 11:39 AM (GMT+7)
Đề nghị hủy Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao trong vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ với bà Lê Hoàng Diệp Thảo của Viện KSND tối cao được các luật sư đánh giá là thủ tục đặc biệt.
Bình luận 0

Thủ tục đặc biệt

Như Dân Việt đã thông tin, Viện KSND tối cao đề nghị hủy Quyết định Giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo để xét xử lại từ đầu do có "nhận định không phù hợp".

Kiến nghị của Viện KSND tối cao đối với vụ Tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Vũ và bà Thảo được ban hành ngày 12/1.

Đề nghị hủy án ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên dựa trên quy định nào? - Ảnh 1.

Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị hủy quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo để xét xử lại từ đầu do có "nhận định không phù hợp"

Viện KSND tối cao cho rằng các bản án trên có nhiều sai sót. Cấp sơ thẩm dùng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản là sai.

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đề nghị hủy Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm trong vụ án ly hôn đình đám giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ với bà Lê Hoàng Diệp Thảo của Viện KSND tối cao là thủ tục đặc biệt. Đây là thủ tục mới được quy định trong BLTTDS năm 2015.

Vụ án này đã được giải quyết đến thủ tục giám đốc thẩm với nội dung giữ nguyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật. 

Tuy nhiên căn cứ vào Điều 358 BLTTDS năm 2015, Viện trưởng VKSND tối cao đã có văn bản đề nghị Hội đồng Thẩm phán xem xét lại đối với quyết định giám đốc thẩm của vụ án này.

Cụ thể, Điều 358 BLTTDS năm 2015 quy định: "Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó; nếu có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối cao thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét lại quyết định đó".

Như vậy, căn cứ vào quy định tại điều luật trên, Viện trưởng VKSND tối cao có quyền ban hành bản kiến nghị này nếu có căn cứ cho thấy Hội đồng giám đốc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc phát hiện ra có tình tiết chứng cứ mới có thể làm thay đổi bản chất của vụ án, thay đổi quyết định giám đốc thẩm.

Viện trưởng VKSND tối cao phải tham dự phiên họp xem xét

Theo tiến sĩ Cường, thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán như sau: Sau khi nhận được yêu cầu xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, TAND tối cao gửi cho VKSND tối cao bản sao văn bản yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị kèm theo hồ sơ vụ án để VKSND tối cao nghiên cứu và chuẩn bị ý kiến phát biểu tại phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị, yêu cầu.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, VKSND tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho TAND tối cao.

Trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp để xem xét kiến nghị, đề nghị.

Đề nghị hủy án ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên dựa trên quy định nào? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

TAND tối cao thông báo bằng văn bản về thời gian mở phiên họp để xem xét kiến nghị, đề nghị cho Viện trưởng VKSND tối cao.

Trường hợp nhất trí với kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quyết định về việc mở phiên họp để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Đồng thời giao cho Chánh án TAND tối cao tổ chức nghiên cứu hồ sơ, báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét, quyết định tại phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Trường hợp không nhất trí kiến nghị, đề nghị, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cá nhân, cơ quan đã kiến nghị, đề nghị.

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao gửi cho Viện trưởng VKSND…văn bản thông báo về việc Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Viện trưởng VKSND tối cao phải tham dự phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và phát biểu quan điểm về việc có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và quan điểm về việc giải quyết vụ án.

Ý kiến phát biểu của Viện trưởng VKSND tối cao phải thể hiện bằng văn bản, có chữ ký của Viện trưởng VKSND tối cao và phải được gửi cho TAND tối cao trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên họp.

Trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ra quyết định quy định tại khoản 1 Điều 360 của Bộ luật này, TAND tối cao gửi quyết định cho VKSND tối cao, Tòa án nhân dân đã giải quyết vụ án và các đương sự.

Như vậy, thủ tục xem xét lại quyết định của hội đồng thẩm phán được quy định rất chặt chẽ, đầy đủ. Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xem xét lại là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Chánh án TAND tối cao hoặc Viện trưởng VKSND tối cao.


Quý độc giả đang đọc bài viết "Đề nghị hủy án ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên dựa trên quy định nào?" tại mục Bạn đọc, Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng 0857.835.666

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem