Đề xuất người có bằng lái dưới 1 năm không lái xe quá 60km/h: Thiếu cơ sở, tạo ra sự bất bình đẳng

Nguyễn Đức Thứ sáu, ngày 14/01/2022 09:31 AM (GMT+7)
Đề xuất của Sở GTVT về việc người có giấy phép lái xe ôtô trong vòng 1 năm (kể từ ngày cấp lần đầu) không lái xe quá tốc độ 60km/h đã được thu hồi, nhưng vẫn tạo ra những tranh luận trong cộng đồng.
Bình luận 0

Sở GTVT TP.HCM vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét quy định về việc người có giấy phép lái xe ôtô trong vòng 1 năm (kể từ ngày cấp lần đầu) không lái xe quá tốc độ 60km/h và không lái xe trên cao tốc.

Lý do, theo Sở Giao thông vận tải là nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn xảy ra, đặc biệt là đối với những người mới được cấp giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, sau khi đề xuất này đưa ra đã gây nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này thiếu tính khả thi và không phù hợp với thực tế.

Tối 13/1, Sở GTVT TPHCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ GTVT về thu hồi văn bản số 13497 ngày 17.12.2021 về một số ý kiến góp ý khi sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 38/2019 và thông tư 12/2015.

Đề xuất không lái xe trên cao tốc không có cơ sở khoa học

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng đề xuất này chưa hợp lý, thiếu cơ sở về mặt thực tiễn. Bởi theo ông Quyền, trên các tuyến cao tốc hiện nay đều quy định tốc độ khác nhau ở mỗi làn xe, có làn xe quy định chạy 100km/h, cũng có làn xe chỉ quy định tốc độ thấp hơn, 80km/h hoặc thậm chí là 60km/h.

Thêm nữa, đối với người lái xe, họ đã học đầy đủ các chương trình và trải qua quá trình sát hạch để được cấp bằng. Như vậy, theo quy định của pháp luật, họ được phép lưu thông trên các tuyến đường. Họ không bị hạn chế chạy trên đường hay đường cao tốc.

"Nếu như đề xuất yêu cầu lái xe sau một năm kể từ khi có bằng lái mới được chạy vào đường cao tốc thì là không ổn. Và cũng có thể vì yêu cầu này mà họ ít chạy xe ra đường hơn, thời gian chạy xe ít hơn và kỹ năng lái xe của họ mai một đi thì còn nguy hiểm hơn, có thể tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn", ông Quyền chia sẻ.

Đề xuất người có bằng lái dưới 1 năm không chạy xe trên cao tốc: Thiếu cơ sở, tạo ra sự bất bình đẳng - Ảnh 1.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẳn sàng đưa vào hoạt động dịp Tết Nhâm Dần năm 2022. Ảnh: Đông Anh

Đồng quan điểm, anh Đặng Văn Sáu (ở TP.Hà Nội), một lái xe taxi nhiều năm cũng cho rằng, cái quan trọng đối với người lái xe là sự hiểu biết về luật giao thông đường bộ và kỹ năng xử lý tình huống khi lưu thông trên đường. 

"Quy định hạn chế tốc độ đối với người mới nhận giấy phép lái xe có thể sẽ khiến họ thiếu tự tin, không rèn luyện được kỹ năng điều khiển xe trên cao tốc và khi họ tham gia giao thông trên đường cao tốc sau một thời gian dài nhận giấy phép lái xe cũng sẽ gây ra những nguy hiểm cho những phương tiện khác. 

Bên cạnh đó, có rất nhiều người có giấy phép lái xe nhiều năm nhưng không điều khiển phương tiện, với những người này thì kỹ năng không thể tốt bằng những người mới nhận giấy phép lái xe mà tham gia giao thông thường xuyên" anh Sáu chia sẻ.

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, trong quá trình quản lý xã hội, việc đưa ra các giải pháp, sáng kiến để đảm bảo an toàn giao thông là cần thiết. 

Đã có nhiều giải pháp, phương pháp mới đưa ra thực sự hiệu quả góp phần giảm bớt các vụ việc tai nạn giao thông, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những tình huống nguy hiểm khi người điều khiển phương tiện không tỉnh táo.

Tuy nhiên, với đề xuất "đề xuất người mới có bằng lái xe ô tô dưới 1 năm không được chạy xe trên 60km/h và không được chạy xe trên cao tốc, ông Liên cho rằng đây là đề xuất không hợp lý, không có tính khả thi, thiếu cơ sở khoa học và không đảm bảo công bằng đối với những người tham gia giao thông.

Đề xuất người có bằng lái dưới 1 năm không chạy xe trên cao tốc: Thiếu cơ sở, tạo ra sự bất bình đẳng - Ảnh 3.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội. Ảnh: B.D.L

"Kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông của cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian điều khiển phương tiện, tố chất, thần kinh, tính khí chứ không phụ thuộc vào việc họ đã được cấp giấy phép lái xe bao lâu rồi. Bởi vậy, nếu căn cứ vào thời gian cấp giấy phép lái xe để quy định tốc độ là thiếu cơ sở khoa học, không căn cứ vào thực tiễn và thiếu tính khả thi", ông Liên chia sẻ.

Có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các lái xe

Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc hạn chế tốc độ, quy định làn đường, phân đường chỉ áp dụng đối với các loại phương tiện, tùy thuộc vào từng địa hình, địa bàn, khu vực khác nhau chứ không áp dụng đối với người điều khiển phương tiện.

Về nguyên tắc, giấy phép lái xe là giấy tờ ghi nhận năng lực, khả năng điều khiển phương tiện giao thông của cá nhân. Mỗi người có thể có những kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực khác nhau về việc điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên khi họ đã có giấy phép lái xe giống nhau thì khả năng tối thiểu để điều khiển phương tiện giao thông đó cũng như nhau.

"Bởi vậy không thể quy định về thâm niên lái xe làm căn cứ cho phép tham gia giao thông với những tốc độ khác nhau. Quy định như vậy sẽ tạo ra sự bất bình đẳng đối với những người có cùng loại giấy phép lái xe, đồng thời sẽ gây khó khăn cho người tham gia giao thông khi cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ dừng xe với lý do kiểm tra xem giấy phép lái xe mới được cấp hay đã được cấp lâu rồi", luật sư Cường nói.

Đề xuất người có bằng lái dưới 1 năm không chạy xe trên cao tốc: Thiếu cơ sở, tạo ra sự bất bình đẳng - Ảnh 4.

Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Ngoài ra, theo luật sư Cường, quy định hạn chế tốc độ đối với người mới nhận giấy phép lái xe sẽ khiến họ thiếu tự tin, không rèn luyện được kỹ năng điều khiển xe trên cao tốc và khi họ tham gia giao thông trên đường cao tốc sau một thời gian dài nhận giấy phép lái xe cũng sẽ gây ra những nguy hiểm cho những phương tiện khác.

Ông Cường cho rằng, để giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông do những người mới tham gia giao thông bao gồm người mới nhận bằng và người nhận bằng lâu nhưng không sử dụng thì cần phải tăng cường thời gian thực hành trong quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng sát hạch giấy phép lái xe, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông chứ không phải là quy định về tốc độ.

"Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm bớt những vụ việc tai nạn giao thông thì cần áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp. Trong đó giải pháp về đào tạo sát hạch lái xe, giải pháp về kiểm soát tình trạng sử dụng rượu bia, ma túy đối với các lái xe, giải pháp tuyên truyền luật giao thông đường bộ, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông là những giải pháp căn bản, quan trọng và mang lại nhiều hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn giao thông", luật sư Cường chia sẻ thêm.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa cũng cho rằng, đề xuất này thực sự là không hợp lý, làm hạn chế quyền của người tham gia giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng khó có thể kiểm soát được việc một người nào đó vừa học xong lái xe không được chạy xe với tốc độ trên 60km/h và không chạy xe trên cao tốc. 

Nếu đưa phương án dùng lực lượng chức năng để kiểm soát, thì với số lượng phương tiện tham gia giao thông tại các đô thì như hiện nay là không khả thi. Sở GTVT TP.HCM cần thiết phải thu hồi đề xuất vô lý về việc tài xế không được chạy quá 60km/h trên cao tốc này.

Quý độc giả đang đọc bài viết Đề xuất người có bằng lái dưới 1 năm không lái xe quá 60km/h: Thiếu cơ sở, tạo ra sự bất bình đẳng tại mục Bạn đọc, Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng 0857.835.666

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem