Thủ tướng: Cần xử lý vi phạm môi trường nghiêm như xử tài xế uống rượu bia
Thủ tướng: Cần xử lý vi phạm môi trường nghiêm như xử tài xế uống rượu bia
PV
Thứ năm, ngày 11/06/2020 15:15 PM (GMT+7)
Góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải có những chế tài nghiêm khắc để xử lý hành vi vi phạm môi trường.
Góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải có những chế tài nghiêm khắc để xử lý hành vi vi phạm môi trường.
Sáng 11/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có những phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Theo Thủ tướng, ô nhiễm môi trường là thách thức không chỉ ở Việt Nam mà đối với toàn cầu, vì thế Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của người dân.
"Môi trường là vấn đề lớn, mang tầm quốc tế, các nước cũng tranh luận rất nhiều. Hiện nay chúng ta đặt ra vấn đề sửa đổi, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về môi trường là đúng đắn, cần thiết", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu thực trạng chai nhựa, rác thải phổ biến ở dọc các bờ sông, bãi biển và thẳng thắn thừa nhận rằng tình trạng ô nhiễm môi trường vừa qua có khuyết điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành chưa làm quyết liệt.
Thủ tướng cũng chỉ ra thực trạng ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ thái độ vô trách nhiệm của một bộ phận người dân. Viện dẫn những hiệu quả của Nghị định 100 tại Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, theo Thủ tướng, cần phải có những chế tài nghiêm khắc tương tự để xử lý hành vi vi phạm môi trường.
Dẫn chứng hiệu quả từ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 cụ thể hoá các quy định của luật, Thủ tướng đặt vấn đề, nên chăng cần có một nghị định tương tự với chế tài nghiêm khắc bên cạnh công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền giáo dục cũng như khuyến khích áp dụng công nghệ trong sản xuất, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường.
"Tình hình uống rượu lái xe, tai nạn giao thông do uống bia rượu giảm hẳn. Phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt thì mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn. Nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm. Sự cương quyết đó phải thể hiện qua đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy", Thủ tướng nói và cho biết bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi” và kéo dài tình trạng "biết rồi nói mãi" trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường.
“Bộ máy đông nhưng yếu, không ai chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân về vấn đề này. Đây là khuyết điểm. Sửa luật để có người bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính và cao hơn nữa về trách nhiệm của mình trước dân. Bộ máy phải mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra”, Thủ tướng nói, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ tiếp thu để có hành động mạnh mẽ hỡn nữa.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Sỹ Thanh kiến nghị sửa đổi một số vấn đề bất cập còn tồn tại trong Luật Môi trường hiện nay. Ông Thanh chỉ ra thực trạng ô nhiễm ở nhiều con sông lớn nhưng trách nhiệm lại đang bị các địa phương đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau.
Vị đại biểu lấy ví dụ về sông Serepôk ở Đắk Lắk hay tình trạng không khí ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các nhà máy nhưng việc xác định trách nhiệm lại gặp khó do các địa phương vẫn đang đổ lỗi cho nhau. Theo ông Trần Sỹ Thanh, Luật Môi trường hiện nay chưa quy định về quản lý giáp danh vùng, vì thế chưa có đủ chế tài để xác định và xử lý hành vi vi phạm môi trường.
Ông Thanh cũng nêu thực trạng xả rác thải tùy tiện hiện nay ở các địa phương và kiến nghị "thôn nào đổ thôn đó, xã nào đổ xã đó" để người dân có ý thức hơn.
"Điều này cũng góp phần đảm bảo và khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải cho tử tế. Đảm bảo vận hành nhà máy xử lý rác thải lâu dài, tránh việc một số nhà máy đi vào hoạt động được một thời gian thì phá sản do đầu tư không đến nơi đến chốn", ông Thanh nêu ý kiến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.