Tối 3/5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng đã ký văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về việc điều chỉnh giá bán điện thời gian qua.
Theo đó, thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin việc điều chỉnh mức giá bán điện và việc thu tiền điện gây nhiều bức xúc cho người dân.
Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Thanh tra Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Trước đó, chiều 20/3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thông tin thêm về việc tăng giá điện. Đồng thời, cũng đưa ra tính toán việc tăng giá khiến người tiêu dùng phải trả thêm bao nhiêu.
Theo đó, giá điện được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ ngày 20/3. Mức giá điện trung bình được điều chỉnh lên 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tương ứng chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng/kWh cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng/kWh cho mức tiêu thụ 101-200 kWh.
Giá bậc 4 là 2.536 đồng/kWh cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.834 đồng/kWh cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng/kWh cho 401 kWh trở lên.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc điều chỉnh tăng giá điện dựa trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017, căn cứ quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có các văn bản trình phương án bán lẻ điện bình quân năm 2019.
Căn cứ đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính để kiểm tra, rà soát các thông số đầu vào để tính toán giá điện theo quyết định 24/2017 của Thủ tướng, bao gồm nhiều thông số đầu vào, chênh lệch tỷ giá... Trong kịch bản có nhiều phương án khác nhau, trong đó có kịch bản tăng giá điện ở mức 8,36%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích thêm một số yếu tố đầu vào tăng giá, khiến áp lực phải tăng giá điện trong năm nay. Theo đó giá than đã tăng 2,6-2,7% khiến chi phí phát điện tăng thêm trên 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, đồng thời với tăng giá điện lần này, giá than cũng được điều chỉnh bước 2. Than của TKV tăng giá thêm 3,77%, Than Đông Bắc tăng thêm 5%, ước làm tăng chi phí 2.500 tỷ đồng nữa.
Ngoài ra, từ ngày 20/3, toàn bộ khí bán cho các nhà máy điện (trong bao tiêu và trên bao tiêu) thực hiện theo giá thị trường. Khi đó, ước chi phí sản xuất điện tăng 5.800 tỷ đồng.
Ông Anh Tuấn cũng cho hay trong năm nay, một số khoản chi phí ngành điện phải trả bằng USD, tỷ lệ chênh lệch tỷ giá là 1,36%. Ngoài ra, EVN vẫn còn một khoản chênh lệch tỷ giá phải phân bổ dần vào giá điện trong giai đoạn 2016-2020.
Thắng Quang (Zing.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.