Nóng: Giá điện tăng và 6 bậc thang gây tranh cãi

P.V (tổng hợp) Thứ năm, ngày 02/05/2019 11:05 AM (GMT+7)
Trong rất nhiều yếu tố được đem ra mổ xẻ khiến hóa đơn tiền điện tăng “khủng”, yếu tố chia giá điện thành 6 bậc thang trong cách tính điện năng tiêu thụ của các hộ gia đình đặc biệt thu hút sự tranh luận của các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Bình luận 0

img

Những ngày qua thông tin về giá điện  tăng khiến hóa đơn tiền điện của hầu hết các hộ gia đình tăng cao đột biến thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Đại diện các cơ quan quản lý ngành điện liên tục đưa ra các lý giải cho  việc giá điện buộc phải tăng và và mức tăng là hoàn toàn hợp lý, trong  khi  các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực điện  không ngừng phản biện lại bằng những phân tích phản biện không kém phần thấu đáo.

Trong rất nhiều yếu tố được đem ra mổ xẻ khiến hóa đơn tiền điện tăng “khủng”, yếu tố chia giá điện thành 6 bậc thang trong cách tính điện  năng tiêu  thụ  của  các hộ gia đình đặc  biệt thu  hút sự tranh luận.

TS. Bùi Xuân Hồi, Bộ môn Kinh tế công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Biểu giá điện là thông điệp tiết kiệm năng lượng. Với 6 bậc thang, khi tiêu dùng điện tăng cao thì tiền điện sẽ tăng theo đúng cấp số lũy tiến và sự gia tăng của hóa đơn phải trả phần lớn nằm ở việc tiêu dùng tăng. Với logic dùng càng nhiều giá càng cao, khi nắng nóng tiêu dùng điện tăng đột biến, hóa đơn tiền điện cao sẽ như một thông điệp cho người tiêu dùng rằng cần sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng.

img

EVN bán điện theo giá nhà nước quy định nên khó có thể nói rằng với giá điện 6 bậc thang thì người hưởng lợi là ngành điện. Việc chia biểu giá bậc thang thành 3, 5 hay 6 bậc thang cần đứng trên quan điểm về sự biến động của chi phí biên trong cung ứng điện. Cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện cần nghiên cứu cơ cấu 6 bậc thang có hoàn toàn phù hợp với cơ cấu chi phí cung ứng đối với phụ tải sinh hoạt hay cần điều chỉnh.

GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, đánh giá chính sách giá điện bậc thang là cực kỳ cần thiết trong điều kiện buộc phải tiết kiệm năng lượng. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia là thiết kế bậc thang với bước tăng cách đều khoảng 100 KWh và mức nhảy giá bằng nhau. Một số quốc gia cũng chia khoảng cách bậc thang đều nhau nhưng bậc thang càng cao thì bước nhảy giá càng lớn để thúc đẩy tiết kiệm điện.

"Riêng Việt Nam, biểu giá không được thiết kế theo 2 quy luật như trên. Ngoại trừ 2 bậc thang đầu được cho là nhằm hỗ trợ người sử dụng điện thấp với bước chênh lệch giá chỉ 47 đồng/KWh, các bậc 3, 4, 5 chịu mức chênh lệch khá lớn. Đặc biệt, giá điện ở bậc 4 cao hơn bậc 3 tới hơn 500 đồng/KWh trong khi bậc 6 là bậc cao nhất lại có mức chênh lệch khá nhẹ so với bậc liền kề bên dưới. Điều này chưa hợp lý, không đi theo thông lệ chung" - ông Long phân tích.

Trong khi đó, chia sẻ trên Facebook cá nhân, chuyên gia Phạm Thanh Sơn bày tỏ quan điểm: Thời bao cấp nhà nào chỉ có mỗi bóng đèn điện 40W, một quạt con cóc một bếp than tổ ong hay bếp dầu do đó mức điện năng tiêu thụ 1 tháng chỉ cần 50 KW là đủ.

Hiện nay gia đình nhà nào cũng ít nhất có 1 điều hoà, 1 bình nóng lạnh, bếp từ, lò vi sóng, ti vi, máy giặt, máy tính, quạt, hệ thống chiếu sáng. Do đó mức tiêu thụ điện năng khoảng 400 KW một tháng.

Do vậy chia giá điện theo bậc thang 6 bậc, với bậc đầu là 50 KW không phù hợp với thời điểm hiện tại chỉ phù hợp thời bao cấp , bậc đầu bây giờ phải là 400 KW một tháng.

Theo tính toán của EVN, việc điều chỉnh tăng thêm 8,36% giá điện sẽ giúp EVN dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỉ đồng trong năm 2019. Toàn bộ số tiền này sẽ được EVN chi trả cho chênh lệch giá khí trong bao tiêu gần 6.000 tỉ đồng, chi trả cho PVGas, chênh lệnh tỉ giá ngoài EVN là hơn 3.000 tỉ đồng, thanh toán cho nhà đầu tư về quyền khai thác tài nguyên nước và các khoản thanh toán bổ sung khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem