Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận 9 nhóm vấn đề quan trọng tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024

Minh Huệ Thứ ba, ngày 31/12/2024 14:12 PM (GMT+7)
Sáng nay 31/12, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt trực tiếp tổ chức thực hiện. Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 9 nhóm vấn đề quan trọng.
Bình luận 0

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Sau một buổi thảo luận sôi nổi, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, cơ quan đã trao đổi, chia sẻ thắng thắn với các bà con nông dân, hợp tác xã những vấn đề lớn liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước luôn quan tâm. Hội nghị hôm nay, tôi có rất nhiều cảm xúc, quan trọng nhất là thể hiện sự đồng lòng nhất trí, tình cảm dành cho nông nghiệp, nông dân, thôn thôn vô cùng đầy đủ, dày dặn.

Nhìn lại một năm 2024 có nhiều sự kiện diễn ra, nhưng với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, cơ bản 15/15 chỉ tiêu Đảng và Nhà nước giao cơ bản hoàn thành, thậm chí có chỉ tiêu vượt mức đề ra. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận 9 nhóm vấn đề quan trọng tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Phạm Hưng

Trong thành tựu chung của đất nước, ngành nông nghiệp có đóng góp rất quan trọng, kim ngạch xuất khẩu đạt 62,5 tỷ đô, xuất siêu 18 tỷ USD, trong khi xuất siêu cả nước chỉ khoảng 24-25 tỷ USD, tức là nông nghiệp chiếm hơn 70% tổng số xuất siêu của cả nước. Đó là tiền tươi thóc thật của người nông dân chúng ta. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam có mặt ở trên 190 nước trên thế giới, đây là một nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Chúng ta sản xuất được hàng, đưa hàng đến nơi thị trường cần – đó là quy trình rất lớn. 

Một nội dung nữa khẳng định vai trò vị thế của ngành nông nghiệp, đó là chúng ta không chỉ sản xuất đủ ăn mà còn thặng dư cao, xuất khẩu được trên 9 triệu tấn gạo, mang về hơn 5 tỷ USD. Không những chúng ta có trách nhiệm đóng góp lương thực cho cộng đồng quốc tế mà còn thu lợi nhuận cho nông dân. Điều đó ngày càng khẳng định việc chúng ta xác định con đường xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh là vô cùng đúng đắn. Đây không chỉ là mục tiêu tham vọng rất lớn, nhiều người nói là bất khả thi mà chúng ta vẫn phải quyết tâm thực hiện; mà còn là khát vọng của dân tộc, của đất nước, khó mấy cũng phải làm. 

"Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới", Thủ tướng phát biểu và trân trọng cảm ơn đóng góp của ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, của nông dân với sự phát triển của đất nước và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận 9 nhóm vấn đề quan trọng tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024- Ảnh 2.

Các đại biểu nông dân mang theo nhiều băn khoăn, kiến nghị và cả hiến kế gửi tới người đứng đầu Chính phủ. Ảnh: Phạm Hưng

Thủ tướng nhấn mạnh 9 vấn đề quan trọng mà các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh thể chế, chính sách vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn và phải là đột phá của đột phá. Thủ tướng lấy ví dụ, việc tháo gỡ cơ chế, chính sách với khoán 10, khoán 100 trước đây đã biến Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; tỷ lệ hộ nghèo từ 67% đến nay chỉ còn 1,93%. Điều này cho thấy nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân. Thủ tướng mong muốn, đề nghị bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng…; từ đó tháo gỡ nút thắt từ thực tiễn, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực của mình cho sự phát triển, đưa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thực hiện được nhanh hơn, tăng tốc, bứt phá hơn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn.

Vấn đề thứ hai, là công tác quy hoạch. Trước đây, do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, nhu cầu của người dân ngày càng nâng cao theo hướng ăn ngon, ăn sạch, do đó công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Vấn đề thứ ba, là đất đai. Phải tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai, bởi đất đai là hằng số, là nguồn lực có hạn. Cùng với đó, phải khai thác cả không gian vũ trụ như phát triển internet vệ tinh để cung cấp sóng viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; khai thác không gian biển như phát triển năng lượng mặt trời, gió…; khai thác không gian ngầm chứ không thể kéo cột điện, cột sóng lôm côm như hiện nay để mang lại lợi ích cho nông dân, phát huy sức mạnh của nông dân, phát triển nông thôn, nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận 9 nhóm vấn đề quan trọng tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024- Ảnh 3.

Hội nghị đã lắng nghe, ghi nhận và giải quyết rất nhiều vấn đề thiết thực, hữu ích liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ảnh: Lê Hiếu

Vấn đề thứ tư, là vốn và bảo hiểm. Muốn làm giàu thì phải có vốn, muốn thúc đẩy nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, phát triển các ngành chủ lực theo quy hoạch, phát triển các mặt hàng mà thế giới có nhu cầu thì phải có chính sách tín dụng và bảo hiểm theo nguyên tắc đóng – hưởng để khuyến khích. Đồng thời, phải khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.

Vấn đề thứ năm, là thị trường. Phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp nữa thì phải mở rộng thị trường xuất khẩu, gồm cả các thị trường đặc thù như thực phẩm Halal. Nhà nước phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân, người nông dân phải bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng góp thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần. "Để du khách mua sản phẩm thì bao bì, đóng gói sản phẩm đó phải đi máy bay cũng được, tàu hòa cũng được, tàu biển cũng được, đi bộ cũng được…", Thủ tướng lấy ví dụ.

Vấn đề thứ sáu, là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh. "Trong tất cả các khâu từ trồng cây gì, nuôi con gì, kinh doanh gì đến xây dựng chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh chế biến sâu, nghiên cứu bao bì, mẫu mã… đều cần đến khoa học công nghệ. Chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu sẽ cho giải pháp thông minh, như chỗ nào trồng lúa tốt nhất, giải pháp canh tác nào tốt nhất, thông minh nhất", Thủ tướng nói.

Vấn đề thứ bảy, là đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị. Chuyển đổi lao động bền vững là chuyển đổi ngay tại chỗ, công nghiệp hóa nông thôn. "Ly nông mà không ly hương là ở chỗ này, chứ không phải là người lao động chuyển từ miền Tây lên miền Đông", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận 9 nhóm vấn đề quan trọng tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024- Ảnh 4.

Thủ tướng chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị đối thoại năm 2024. Ảnh: Lê Hiếu

Vấn đề thứ tám, xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hoá soi đường cho quốc dân đi. "Vẫn là bài hát Trống Cơm, vẫn là chèo, là tuồng, nhưng nếu đổi mới sáng tạo, có đầu tư trí tuệ, ứng dụng khoa học công nghệ thì bài hát được nâng tầm lên rất nhiều. Vừa rồi 2 concert rất thành công là nhờ yếu tố trí tuệ, đầu tư khoa học công nghệ", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, phải khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mình, phải quốc tế hoá các giá trị văn hoá, thương mại hoá văn hoá thành nguồn lực, dân tộc hoá văn minh nhân loại vào đất nước chúng ta để khai thác tiềm lực, đồng thời tạo ra nguồn lực và thu hút đầu tư.

Vấn đề thứ chín, hệ thống chính trị cơ sơ phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân. Đồng thời, chủ động đề xuất thể thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân để phục vụ phát triển. Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang tập trung thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Theo đó, xây dựng thể chế thông thoáng, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm cơ chế xin cho, giảm phiền hà, sách nhiễu, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; xây dựng hạ tầng chiến lược (về giao thông, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục và thể thao…) để giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, giảm thời gian, chi phí, công sức cho người dân và doanh nghiệp; đào tạo nhân lực và chuyển dịch lao động, nâng cao tay nghề, tri thức, trình độ kỹ năng của người nông dân.

Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương định kỳ đối thoại, lắng nghe với nông dân, Thủ tướng kêu gọi dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo và đoàn kết, thống nhất – đây là điểm tựa tinh thần của dân tộc ta, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, để đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem