TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp, nông thôn đề nghị cần bảo vệ, hỗ trợ nông dân tốt hơn
Trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân: TS Đặng Kim Sơn nói, cần bảo vệ, hỗ trợ nông dân tốt hơn
Trần Quang
Thứ hai, ngày 30/12/2024 13:14 PM (GMT+7)
Cần bảo vệ, hỗ trợ nông dân tốt hơn, đó là một trong những nội dung kiến nghị của Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) gửi đến hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2024.
Nông nghiệp gắn với công nghiệp và dịch vụ, phát triển nông thôn gắn phát triển đô thị, nông dân chuyên nghiệp, rút lao động sang phi nông nghiệp
Trước thềm hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, chia sẻ với Dân Việt, TS.Đặng Kim Sơn cho biết, hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm nay diễn ra vào thời điểm Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới. Đây là giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp đô thị hóa để hiện đại hóa đất nước, nhất là giai đoạn từ nay đến 2030 và 2045.
Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, cơ bản các địa phương đã hoàn thành. Hiện chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện chương trình tại các tỉnh khó khăn, các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đối với những tỉnh đã và đang phát triển, các tỉnh gần đô thị, nông thôn mới đang tiến hành chương trình nông thôn nâng cao, mở rộng.
Nói về nông thôn và nông dân, đây là lúc phải gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị, đưa người nông dân trở thành nông dân chuyên nghiệp. Đồng thời là quá trình rút phần lớn lao động ở nông thôn ra. Đây là thời điểm thay đổi lớn toàn xã hội: 1/4 dân số nông thôn sẽ chuyển ra đô thị, 70-80% lao động chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Phải làm sao để quá trình chuyển đổi đó diễn ra thuận lợi. Số lượng thị dân mới lớn như thế không chỉ tập trung vào các thành phố lớn mà phải phát triển đô thị ở khắp mọi miền của đất nước, lượng lao động lớn như thế ra khỏi nông nghiệp thì ngành dịch vụ và nông nghiệp cũng phải lan tỏa ra cả nước, rời khỏi nghề nông không có nghĩa là rời khỏi quê hương.
Theo TS.Sơn, quan trọng nhất là làm sao chuyển 60% lao động chưa chính thức thành chính thức, đã là người lao động thì phải được hợp đồng, có bảo hiểm, có nghiệp đoàn. ở các thành phố, địa phương công nghiệp tập trung cũng phải hình thành các thành phố để người dân lao động chuyển sang cuộc sống đô thị chính thức, không thể kéo dài thực trạng như ở Đông Nam Bộ, đa số công nhân trong các khu công nghiệp vẫn bị coi là lao động di cư, gia đình của họ không được hưởng cuộc sống đô thị ổn định.
Nói về nông nghiệp hiện đại, là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp có nghĩa là không chỉ mở mang đồng ruộng sản xuất, trang trại, ao nuôi... mà phải đề cập đến hệ thống sản xuất và cung ứng vật tư đầu vào, hệ thống logistics đầu ra, các nhà máy, hệ thống công nghiệp để chế biến gia tăng giá trị cao cho nông sản gắn với hệ thống phân phối và phát triển thị trường trong nước và thế giới. Nông nghiệp trong tương lai phải gắn với công nghiệp và dịch vụ để phát huy được "lợi thế quốc gia" về nông nghiệp như Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định.
Có biện pháp quản lý rủi ro tốt, cung cấp tín dụng đầu tư cho sản xuất, phát triển khoa học công nghệ và phát huy vai trò làm chủ cho nông dân
Theo TS.Đặng Kim Sơn, năm nay, Việt Nam rất thành công trong xuất khẩu nông lâm thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta đạt tới trên 62 tỷ USD, vượt xa rất nhiều so với các ngành khác. Trong đó, nông sản xuất khẩu chiếm tới trên 70% xuất siêu của cả nước, điều đó càng chứng tỏ, nông nghiệp là lợi thế rõ ràng của Việt Nam.
Tuy nhiên, TS.Sơn cho rằng: Khi nhìn nhận về sản xuất xanh, ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn phát triển chưa thực sự vững bền. Nhìn lại thảm họa thiên tai sau cơn bão số 3 vừa qua mới chỉ diễn ra tại miền Bắc nhưng ước tính thiệt hại đã chiếm đến 40% tổng thiệt hại của cả nước, trong khi đó, đây chưa phải là vùng sản xuất lớn nông nghiệp nhất của đất nước.
Trong khi nhìn chung tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của Việt Nam năm nay tương đối ổn thì những vùng chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3, sản xuất nông nghiệp rất khó để phục hồi. Vì đó là những ngành phải đầu tư rất nhiều tiền trong dài hạn (cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...), bà con vay tiền của ngân hàng và cố gắng, nỗ lực rất nhiều năm mới xây dựng được nhưng khi thiên tai xảy ra đã gây thiệt hại rất nặng nề. Từ các rủi ro đó, TS.Đặng Kim Sơn cho hay: khi nhìn nhận về sản xuất xanh, vững bền, chúng ta phải có biện pháp quản lý rủi ro tốt cho nông dân. Nhất là công tác bảo hiểm - một công tác đã thử nghiệm quá lâu.
Thứ 2 là trong xuất khẩu, trong khi đạt được thành công to lớn thì nhiều mảng còn đang theo chiều rộng, chưa vững bền. Theo tôi, chúng ta mới đột phá mạnh về mở cửa thị trường, đưa nông sản mới vào thị trường mới. Tuy vậy, các cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng. Đây là tín hiệu nguy hiểm, chỉ cần cảnh báo được các nước đưa ra, nâng lên sẽ khiến chúng ta sẽ mất lại thị trường. Chúng ta phải xem xét, và bắt tay vào xử lý lại thực sự nghiêm túc về vấn đề này.
Nếu muốn xuất khẩu ổn định và hiệu quả, phải giúp cho những doanh nghiệp lớn làm ăn tử tế như Tập đoàn Lộc Trời hình thành được chuỗi giá trị, hoàn thiện được hệ thống sản xuất ổn định để vượt qua khó khăn từ nợ nần nặng nề với nông dân. Nếu muốn sản xuất xanh giảm phát thải CO2 thì phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng ruộng phải bằng phẳng, phải đầu tư trang bị cho nông dân các máy nông nghiệp như máy cấy, gieo theo hàng.... Theo đó, TS.Đặng Kim Sơn đề nghị Nhà nước, các tổ chức tín dụng, tài chính phải có chương trình đầu tư cho nông dân, cho doanh nghiệp.
"Chúng ta muốn sản xuất xanh thì phải phát triển vững bền hơn, phải bảo vệ nông dân tốt hơn, đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ và nhất là phải bắt tay vào đổi mới thể chế. Trong tình hình đổi mới mạnh các cơ quan quản lý nhà nước, hội nông dân cũng cần nhanh chóng thay đổi để có thể đại diện được cho hội viên tham gia chủ động, hiệu quả và tích cực hơn vào công tác quản lý phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi và cung cấp tốt hơn dịch vụ công cho nông dân", TS.Sơn khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.