Thủ tướng đi công tác bằng máy bay thương mại: Gần gũi dân hơn

Lương Kết (ghi) Thứ hai, ngày 31/10/2016 15:25 PM (GMT+7)
“Việc các lãnh đạo cấp cao bớt sử dụng chuyên cơ khi đi công tác, nhân dân nhìn vào cũng rất ủng hộ và hoan nghênh. Điều này khiến khoảng cách giữa lãnh đạo và người dân trở nên gần gũi, hòa đồng hơn” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đánh giá sáng 31.10.
Bình luận 0

img

Ngày 28.10, đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước nước ta do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã đến Thủ đô Bangkok (Thái Lan). Điều rất đáng chú ý là trong chuyến đi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lựa chọn đi bằng máy bay thương mại.

Ông có suy nghĩ gì khi vừa qua Thủ tướng Chính phủ đi công tác nước ngoài bằng máy bay thương mại?

- Tôi rất hoan nghênh việc làm này. Việc các lãnh đạo cấp cao bớt sử dụng chuyên cơ khi đi công tác, nhân dân nhìn vào cũng rất ủng hộ và hoan nghênh. Điều này khiến khoảng cách giữa lãnh đạo và người dân trở nên gần gũi, hòa đồng hơn. Nhiều lãnh đạo tại các quốc gia khác họ cũng từng làm như vậy, cũng đi bộ, đi xe đạp, cũng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Tuy vậy, cũng đặt ra yêu cầu là những ngành dịch vụ công phải làm sao để đảm bảo an toàn cho các lãnh đạo cao cấp, điều này cũng có nghĩa là đảm bảo tốt hơn an toàn cho nhân dân. Việc làm của Thủ tướng là rất đáng ủng hộ và hoan nghênh.

Trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) có quy định về khoán kinh phí về sử dụng tài sản công như nhà công vụ, xe ô tô, điện thoại. Ông đánh giá thế nào về quy định này?

-  Theo tôi, việc khoán sử dụng tài sản công nên đặt trong một dự án Luật khác rộng hơn. Tôi ví dụ, lương của anh 10 triệu đồng/tháng trong khi chi phí cho công việc lên tới 30 triệu đồng, nếu khoán 30 triệu đồng này thì thành ra bây giờ lộ ra chi phí gấp 3 lần lương! Như thế có hợp lý hay không? Cho nên phải tính toán lại, ở chỗ, lương để sử dụng cho cá nhân, trong đó có một phần dành cho đi lại, học hành… (như một số quốc giá khác quy định). Những chi phí đó được đưa vào lương. Nhưng nếu tách ra lương và chi phí đi lại như thế này thì sẽ có một số điểm không hợp lý.

Cho nên, việc khoán có thể thí điểm bước đầu, nhưng về cơ bản phải nằm trong cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức. Cái gì đưa vào lương? Cái gì còn lại là Nhà nước phải chi? Phải tách bạch rõ ràng, nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được điều này.

img

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM).

Ông nhận định như thế nào về tình trạng lãng phí trong sử dụng tài sản công như xe ô tô công, nhà công vụ trong thời gian qua?

- Do chưa tách bạch được chi phí nên có tình trạng một số chi phí từ nguồn ngân sách, một số tài sản công lại được sử dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Ngược lại, cũng có một số người phải sử dụng một phần lương của mình để trang trải cho công việc.

Do đó, để giải quyết cơ bản chi phí cho các cá nhân là cán bộ công chức thì phải giải quyết đồng bộ với cơ cấu tiền lương, thu nhập cho hợp lý. Khi đã giải quyết được vấn đề này thì sẽ trả lời được những câu hỏi như cán bộ đi làm bằng phương tiện gì, điện thoại sử dụng ra sao, nhà ở dành cho cá nhân hay cho cả gia đình...

Có những quốc gia chi trả tất cả cho cán bộ vào lương, còn anh đi thuê nhà để ở như thế nào đó là việc của anh, dùng 100m2 hay 50m2 là việc của anh, không có vấn đề nhà công vụ. Xe cũng không có xe công vụ vì các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các giáo sư, công chức… đều có xe riêng, nếu không họ đi bus, tàu điện ngầm, đi các phương tiện công cộng khác. Trong cơ cấu tiền lương đã tính đến tất cả các chi phí đó rồi.

Giải quyết được vấn đề tiền lương trên cơ sở như vậy thì mới hợp lý. Chứ bây giờ lương 10 triệu đồng/tháng mà khoán chi phí đến mấy chục triệu đồng, gấp mấy lần lương thì rõ ràng khó giải thích, nhân dân nghe cũng không thể nào chấp nhận được!

Xin cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem