Một vấn đề quan trọng được các đại biểu đặt câu hỏi lên Chính phủ là vấn đề đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm. Đại biểu Đào Xuân Yên (Thanh Hóa) đặt câu hỏi thẳng thắn về tình trạng đào tạo ĐH tràn lan, chưa gắn kết với xã hội, dẫn đến thừa thầy thiếu thợ, siên viên ra trường xin việc khó khăn, gây nên những tiêu cực trong tuyển dụng.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng |
Trả lời vấn đề này, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn hàng loạt số liệu: "Việt Nam có 88 triệu dân, trong đó dân số trong độ tuổi lao động là 60 triệu, chiếm 66% dân số. Nhưng đến năm 2012, số lao động được qua đào tạo các cấp chỉ 46%. Tuy nhiên tổng số này chỉ có 8% có trình độ cao đẳng, ĐH. Trong khi đó các nước phát triển, hầu hết những lao động trong độ tuổi đều được đào tạo, đào tạo lại, trong số này tỷ lệ có trình độ cao đẳng, ĐH cao hơn nhiều. Ví dụ: Malaysia 20,1%, Thái Lan 14,2%, Hàn Quốc 33,6%. nếu tính số SV trên 1 vạn dân, đến cuối 2011, 1 vạn dân có 250 SV, trong lúc Thái Lan 374, Hàn Quốc 674, Anh 380...".
Với số liệu này, thủ tướng khẳng định: “Nền kinh tế chúng ta nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta, đất nước chúng ta đang thiếu cả thầy cả thợ, chứ không phải thừa thầy thiếu thợ. Việc đào tạo nghề và trình độ cao cuả chúng ta còn quá thấp. Thứ hai cơ cấu đào tạo nước ta vẫn còn bất cập, chưa hợp lý. Ví dụ bình quân thế giới 1 đại học, 4 trung cấp, 10 công nhân kỹ thuật; còn chúng ta 1 ĐH, 1,3 trung cấp, 0,9 là công nhân kỹ thuật."
Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ đã ban hành chiến luợc về dạy nghề, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, mới đây hội nghị Trung ương cũng đã quan tâm đề cập đến vấn đề này, làm thế nào để nâng cao nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo.
|
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân |
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Ban Thanh niên công nhân và đô thị đặt câu hỏi về việc đầu tư 10 trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và việc làm cho thanh niên với tổng vốn đầu tư 733 tỷ đồng nhưng chưa xúc tiến nhiều. Thủ tướng cho rằng, kinh tế đang khó khăn, việc đầu tư phải chậm lại. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đoàn thanh niên nên tập trung làm tốt công tác hướng nghiệp, giới thiệu việc làm. Việc tổ chức dạy nghề đã có Bộ LĐTBXH thực hiện.
Liên quan tới câu hỏi về vay vốn học sinh, sinh viên, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Chúng ta có chủ trương cho vay nhưng danh sách sinh viên được vay vốn chỉ có 300.000 sinh viên. Sau đó Thủ tướng chỉ đạo một chương trình vay mới, mức vay là 800.000 đồng/tháng. Trong 5 năm qua đã có tổng số 2,8 triệu sinh viên được vay vốn, đây là tỉ lệ cao nhất trong ASEAN. Trong thời gian tới chủ trương là tăng nhưng do kinh tế còn khó khăn nên chỉ tăng quy mô vay, còn mức vay thì căn cứ vào tình hình cụ thể thực tế để xem xét.
Trong khi Việt Nam còn thiếu cả thầy lẫn thợ thì một số trí thức trình độ cao lại không được trọng dụng. Câu hỏi này cũng được đại biểu đặt ra và Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Nguyễn Quân trả lời: “Chúng tôi cũng rất trăn trở, có hiện tượng chảy máu chất xám từ nhà nước ra tư nhân, từ nhà nước ra đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, hiện tượng đi học nước ngoài không tha thiết về nước làm việc...
Chương trình hành động của các bộ ngành sắp tới chúng tôi cũng xây dựng chính sách để đảm bảo cho cán bộ trẻ sống được bằng nghiên cứu khoa học. Chúng tôi sẽ cụ thể hóa chính sách để xác định được tài năng trẻ thực sự, giao cho họ tự chủ về ngân sách nhất định để nghiên cứu khoa học, xây dựng một số trường, viện nghiên cứu về khoa học mới... Đây sẽ là những nơi ươm mầm cho các tài năng, sáng kiến, công trình khoa học”
Nguyễn Thiêm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.