Thủ tướng: hàng hóa Việt Nam đã có mặt tại siêu thị hầu hết các quốc gia

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 28/12/2019 06:00 AM (GMT+7)
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tổng quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên mức 500 tỷ USD, lớn chưa từng có, tốc độ tăng gấp 4 lần so với bình quân thế giới. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, nhiều sản phẩm thương hiệu Việt đã có mặt tại siêu thị nhiều nước.
Bình luận 0

Sáng 27/12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp “không bàn cãi” của ngành Công Thương Việt Nam đối với những thành tựu vừa qua đất nước đạt được.

Theo nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh nên kinh tế toàn cầu tụt dốc thì thành quả toàn diện năm 2019 Việt Nam đạt được (tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%, lạm phát thấp…), khách quan nhận xét có sự đóng góp to lớn toàn ngành công thương.

Thủ tướng Chính phủ cho hay, tổng quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên mức 500 tỷ USD là mức lớn chưa từng có. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục gần 264 tỷ USD; xuất siêu đạt 9,94 tỷ USD.

"Hàng hóa mang thương hiệu Việt đã có tại siêu thị của hầu hết các quốc gia trên thế giới, quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD." Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương

“Những con số này 10 năm trước đây chúng ta không hình dung được. Bởi trước đây chúng ta nhập siêu liên tục.” Thủ tướng nhấn mạnh.

Mặc dù, hiện tại các chỉ số hàng hóa của doanh nghiệp Việt vẫn chưa cao bằng FDI, tuy nhiên, theo Thủ tướng, sự tăng trưởng này cũng đã thể hiện sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó tỷ lệ xuất khẩu hàng thô cũng giảm, thay vào đó các hàng hoá qua chế biến được đẩy mạnh hơn.

“Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng hoan nghênh sự thay đổi, khắc phục yếu điểm để Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới của Bộ Công Thương.

“Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập tiếp tục đã được thực hiện có hiệu quả hơn những năm trước. Tới nay chúng ta đã tham gia đàm phán và ký kết 17 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương (FTA). Trong đó, 13 FTA đã đi vào thực thi (bao gồm cả Hiệp định CPTPP); 01 FTA đã ký kết và chờ phê chuẩn (FTA Việt Nam - EU) và 03 FTA đang đàm phán (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, FTA Việt Nam - Israel, Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA).

Nếu như năm trước, hạn chế của ngành là việc triển khai thực hiện một số Hiệp định thương mại tự do vẫn còn chưa thực sự đến được các doanh nghiệp và người dân thì năm nay Bộ Công Thương thực sự đã có nhiều đổi mới trong công tác này.” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Ngoài những thành tựu tích cực trên, Thủ tướng cũng yêu cầu toàn ngành công thương tiếp tục khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hoạt động tái cơ cấu, tập trung xử lý các dự án thua lỗ kéo dài, không chỉ 12 dự án mà có thể là 15 -17 dự án.

“Chúng ta không kêu ca cái cũ, đổi lỗi cho ai cả nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải gánh những tồn tại này”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trong các chỉ đạo của Thủ tướng, đối với ngành điện, việc "Không được thiếu điện" là mệnh lệnh. Việc phát triển năng lượng nói chung, các dự án điện nói riêng là vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất. 

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường. Đối với các dự án điện than, nếu phát triển thêm có thể sẽ nhận phản ứng trái chiều từ dư luận. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của ngành công thương chứ không riêng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem