Thủ tướng: Không để thiếu điện là mệnh lệnh

Thứ tư, ngày 25/12/2019 21:03 PM (GMT+7)
Chỉ ra một số dự án cung ứng điện chậm tiến độ, gặp khó khăn, dẫn tới nguy cơ thiếu điện trong những năm tới, Thủ tướng nêu rõ, cần bảo đảm chủ động cung ứng điện cho nền kinh tế với chất lượng tốt, không được để thiếu điện cho phát triển kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân, đây là một mệnh lệnh, yêu cầu lớn.
Bình luận 0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức sáng 25/12.

Theo báo cáo của EVN, tính đến cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 54.880 MW. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới. Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2019 đạt 231,1 tỷ kWh tăng 8,85% so với năm 2018. Đến nay, 99,52% số hộ dân của cả nước được cung cấp điện với sản lượng điện thương phẩm năm 2019 đạt 210 tỷ kWh, mức sử dụng điện bình quân trên người dân đạt 2.180 kWh/người/năm.

EVN hiện bán điện trực tiếp cho hơn 28 triệu khách hàng. Năm 2019, Tập đoàn đã đưa vào vận hành khoảng 1.400 MW nguồn điện, trong đó có 2 nhà máy nhiệt điện than và 3 nhà máy điện mặt trời công suất khoảng 120 MW. Tập đoàn đã khởi công 196 công trình và hoàn thành đóng điện 192 công trình lưới điện 110-500 kV.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2019 ước đạt 393.230 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2018, trong đó doanh thu bán điện là 387.675 tỷ đồng, tăng 16,4%; giá trị nộp ngân sách năm 2019 là 27.200 tỷ đồng, tăng 2.089 tỷ đồng so với năm 2018.

img

Thủ tướng tới dự hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương sự đóng góp của đội ngũ gần 100.000 cán bộ, người lao động ngành điện đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà dự kiến năm 2019, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt trên 7%, kinh tế vĩ mô ổn định, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 517 tỷ USD.

Thủ tướng cũng chia sẻ với một số khó khăn của ngành điện năm 2019 như phụ tải, nhu cầu điện tăng cao; khô hạn ở nhiều lưu vực, lượng nước về các hồ thủy điện ở mức thấp, nguồn cung cấp nhiên liệu như than, khí gặp khó khăn; nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ.

Trong bối cảnh đó, ngành điện vẫn không ngừng nỗ lực, bảo đảm cung ứng điện cho nền kinh tế, sinh hoạt của nhân dân. Điều ấn tượng nhất là chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện vượt bậc, năm 2019 được xếp hạng 27/190 quốc gia trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, tăng 129 bậc (từ 156 lên 27). Tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân giảm 11% so với năm 2018.

Đến cuối năm 2019, tỉ lệ tiêu thụ tro xỉ đạt 70%, cao hơn nhiều so với các năm trước (từ năm 2015-2018 đạt 40%). Nhiều đơn vị có sáng kiến, sáng tạo nhằm ngăn chặn phát tán bụi và ”xanh hóa” khu vực bãi xỉ, xử lý tro, xỉ nhiễm dầu... Ngành điện gương mẫu tiên phong trong công khai minh bạch, chú ý hơn đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng các dự án cung ứng điện chậm tiến độ, gặp khó khăn, dẫn tới nguy cơ thiếu điện trong những năm tới. Rà soát 60 dự án nguồn điện có công suất lớn trên 200 MW dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn đến 2030 thì có đến 35 dự án đang triển khai với tổng công suất 39.000 MW chậm tiến độ, trong đó, EVN có 7 dự án chậm tiến độ. Theo báo cáo của EVN, năm 2019, Tập đoàn đã rất cố gắng trong đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải song vẫn còn tình trạng chưa đáp ứng yêu cầu đấu nối, nhất là khi phát triển nhanh nguồn điện mặt trời trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, phát triển nguồn thủy điện vừa và nhỏ khu vực Tây Bắc.

Năng suất lao động ngành điện mặc dù tiếp tục được cải thiện song nhìn chung còn thấp. Năm 2019, năng suất lao động của EVN tiếp tục tăng trưởng 10%, cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế (khoảng 5,7%) song đánh giá chung vẫn thấp hơn so với nhiều công ty cùng chuyên ngành trong khu vực.

Cho rằng việc thực hiện lộ trình tăng giá điện vừa qua gây phản ứng của người dân, Thủ tướng nêu rõ, công tác truyền thông, thông tin trong ngành điện còn chậm đổi mới. Chúng ta phải khắc phục cho được vấn đề giá điện một cách công khai, minh bạch.

Chỉ ra một số định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh phát triển điện phải đi trước một bước, điện có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế và đời sống nhân dân. Sắp tới, sẽ thông qua quy hoạch điện lực, nhất là Tổng sơ đồ 8 cũng như chiến lược năng lượng, chiến lược phát triển ngành điện.

Cần rà soát lại chỉ tiêu phấn đấu của ngành năm 2020 với tinh thần tiến công. “Đội ngũ gần 100.000 người lao động của EVN hãy làm việc quyết liệt chứ không phải làm cầm chừng, để năm 2020 và các năm tiếp theo có nguồn điện, lưới điện tốt để phát triển”, Thủ tướng bày tỏ.

Hơn ai hết, trong lúc hạn hán, thiếu nước ở miền Bắc, miền Trung, hạn hán ở miền Nam thì EVN càng phải thể hiện vai trò chủ đạo, nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện, vận hành an toàn hệ thống điện. Có phương án ứng phó tình hình khô hạn, nắng nóng, nhu cầu điện tăng cao.

Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với EVN và các tập đoàn lớn trong điều hành tốt than và khí cho việc cung ứng điện với quan điểm nếu thiếu khí thì phải ưu tiên cho sản xuất điện.

EVN đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nguồn điện được Thủ tướng giao làm chủ đầu tư, gồm: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Dung Quất 1, Dung Quất 3, Ô Môn 3, Ô Môn 4; các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng; dự án thủy điện tích năng Bác Ái.

Các dự án nguồn điện BOT đóng vai trò quan trọng trong cân đối cung ứng điện năng. Bộ Công Thương cần đôn đốc các dự án BOT đã ký hợp đồng và đẩy nhanh tiến độ đàm phán các dự án BOT đã có chủ trương.

Đẩy nhanh tiến độ lưới truyền tải đồng bộ, bảo đảm giải tỏa hết công suất các nhà máy năng lượng tái tạo.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại Tập đoàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, xây dựng ngành điện tự cường trong bối cảnh hội nhập.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương xây dựng, trình một Chỉ thị về sử dụng, tiết kiệm điện hiệu quả.

Cần đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ tốt nhất người dân, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mục tiêu đặt ra về giảm thời gian tiếp cận điện năng cần cao hơn, không chỉ ở mức trong 4 nước đứng đầu ASEAN mà tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, lấy các nước OECD là mục tiêu hướng đến.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực và sử dụng điện.

Thủ tướng hy vọng sẽ sớm nhận được cơ chế phát triển nguồn điện, lưới điện trong thời điểm mới do cơ quan thẩm quyền trình, để tạo điều kiện thuận lợi cho một tập đoàn hùng mạnh, có vị thế quan trọng đối với sự phát triển.

Đức Tuân (Chinhphu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem