Thủ tướng: Tung tin giá thịt tăng, găm hàng tăng giá sẽ bị xử lý

Khánh Nguyên- Khương Lực Thứ hai, ngày 23/12/2019 21:06 PM (GMT+7)
Đánh giá cao những kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2019, tại Hội nghị trực tuyến bàn kế hoạch phát triển năm 2020 do Bộ NNPTNT tổ chức chiều 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tặng ngành nông nghiệp 10 chữ: Chủ động; Sáng tạo; Chung sức; Đồng lòng; Hiệu quả. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm những ai găm hàng, tăng giá thịt lợn nhằm trục lợi.
Bình luận 0

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2019, Việt Nam thắng lợi toàn diện về phát triển kinh tế, quy mô nền kinh tế tăng lên, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đạt trên 500 tỷ USD, trong kết quả này có đóng góp lớn của ngành nông nghiệp.

Thủ tướng cũng chỉ rõ 3 thách thức lớn nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn đang phải đối mặt, đó là: Cạnh tranh quyết liệt trong thương mại toàn cầu, xu hướng bảo hộ, chiến tranh thương mại có nhiều phức tạp. Dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi và bệnh sâu keo mùa thu trên thực vật. 

Biến đổi khí hậu, diễn biến cực đoan của thời tiết: Nắng nóng kéo dài bất thường gây hạn, cháy rừng, thiếu hụt lượng mưa lớn gây hạn, mặn cuối năm. 

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị và tặng ngành nông nghiệp 10 chữ: Chủ động; Sáng tạo; Chung sức; Đồng lòng; Hiệu quả. Ảnh: K.Lực.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã có nhiều điểm sáng, đạt nhiều mục tiêu xuất sắc, vượt 3/4 chỉ tiêu Chính phủ giao, chỉ có một chỉ tiêu không đạt là tăng trưởng GDP do dịch tả lợn châu Phi bị thiệt hại nặng nề.

Các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi được tăng cường, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. 

"Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã coi trọng tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường, tạo động lực cho sản xuất. Một số vùng chuyên canh đã xuất hiện ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên. Nhiều nhà máy chế biến được xây dựng, tiêu biểu như Sơn La có tới 40 nhà máy chế biến; ngành gỗ cũng phát triển vượt bậc, đóng góp kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD. Ngành sữa có thị trường mới, xuất khẩu sang Trung Quốc, ngành gạo thì được công nhận sản phẩm gạo ngon nhất thế giới; thị trường trái cây cũng rộng mở, tin vui nhất là Myanmar chấp nhận nhập khẩu thanh long từ Việt Nam, vải thiều đi Nhật" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định kết quả này, đồng thời Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp, người dân phải ủng hộ xuất khẩu chính ngạch, phải nhận thức rõ không thể làm theo cái cũ. Thủ tướng cũng biểu dương những doanh nghiệp lớn như Masan, TH cam kết sản xuất kinh doanh ưu tiên người Việt, vì người Việt.

img

Lô sữa tươi đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, một thành công của ngành nông nghiệp năm 2019. Ảnh: I.T

"Trong bối cảnh khó khăn như vậy như thương mại ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu 41,3 tỷ USD, nông nghiệp cũng là ngành xuất siêu lớn. Có được kết quả này là do các đồng chí đã đồng hành, tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp trở thành động lực phát triển nông nghiệp; hình thành nhiều chuỗi liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Dẫn các con số chứng tỏ lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng trưởng mạnh (đã có 45 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 15.300 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có gần 73% số HTX hoạt động hiệu quả; tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp là 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,2%; năm 2019 có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành, đi vào hoạt động, Thủ tướng cho rằng, đây sẽ là động lực cho ngành nông nghiệp đạt được những bước tiến mới.

Thủ tướng cũng đánh giá cao sự chủ động, tham mưu, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi nên đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt.

Tôi đánh giá cao việc Bộ đã chủ động tham mưu Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo, ban hành những chính sách; Bộ đã quyết liệt hướng dẫn, thực hiện trên thực tiễn, chủ động khuyến khích tăng cường sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn, thủy sản để bù đắp một phần lượng thịt lợn bị giảm.

Nhờ vậy, tuy thiệt hại khoảng hơn 342.000 tấn thịt lợn nhưng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145 nghìn tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả), gia súc lớn tăng 4,2%... Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế; ta vẫn giữ được khoảng 25 triệu con lợn.

"Thời gian qua, có thông tin giá lợn hơi lên rất nhanh, tôi phải nói lại, giá lên là không phải là chúng ta không có lợn, dịch có khiến đàn lợn giảm nhưng phải khẳng định chúng ta không thiếu nhiều, cần thiết nhập thêm mấy ngàn tấn thịt để bình ổn, hiện, giá lợn hơi đã chững lại. Nhân đây, tôi đề nghị, ai tung tin đồn nhảm thiếu thịt, giá  tăng; ai găm hàng, tăng giá sẽ bị xử lý nghiêm" - Thủ tướng kiên quyết.

img

Theo Thủ tướng: Thị trường thịt lợn không thiếu hàng, ai tung tin đồn nhảm, găm hàng, tăng giá sẽ bị xử lý. 

Công tác phòng chống thiên tai đã được triển khai chủ động, bài bản. Hạ tầng nông nghiệp khác được củng cố; công tác thủy lợi được đầu tư theo hướng đa mục tiêu, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, đảm bảo phòng tránh úng ngập; theo đó, năng lực tưới của hệ thống thủy lợi tăng thêm khoảng 10.000ha, năng lực tiêu tăng thêm khoảng 10.000ha.

Từ những kết quả quan trọng ngành nông nghiệp đạt được trong bối cảnh vô cùng khó khăn, Thủ tướng tặng ngành 10 chữ: Chủ động; Sáng tạo; Chung sức; Đồng lòng: Hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại, yếu kém ngành cần tập trung khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới; đó là:

Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế sản xuất thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm; sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra; nguồn lực cho ngành còn rất hạn chế.

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch năm đề ra (đạt 86,1%), nhất là vốn ODA. 

Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; và giá thịt lợn đang ở mức rất cao.

Về nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2020, Thủ tướng giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 43 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%.

Về mục tiêu đến năm 2025, có thêm 5 nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất 1 tỷ USD trở lên và tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và thứ 10 thế giới.

img

Thủ tướng đánh giá cao sự phát triển của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Ảnh: I.T

Thủ tướng nhất trí với đề xuất của Bộ về ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021- 2025 cho ngành nông nghiệp nói chung và qua Bộ Nông nghiệp và PTNT nói riêng đạt chỉ tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước như đã được định hướng tại Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 26/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội; tăng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước gấp 2 lần cho chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Cần thiết tiếp tục phải tháo gỡ những nút thắt về chính sách như chính sách về đất đai, tín dụng,...; về Nghị định 57/2018 của Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các tỉnh chủ trì tham mưu, hướng dẫn phân bổ nguồn lực như đã quy định trong Nghị định nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, có phân kỳ cụ thể giai đoạn 2021 - 2025; cần ưu tiên tập trung phát triển đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện.

Tiếp tục chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem