Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao lưu, trò chuyện với ĐH Hải Phòng

Trần Phượng Chủ nhật, ngày 08/05/2016 16:50 PM (GMT+7)
Vào 14h chiều ngày 8.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, giảng viên, sinh viên trường ĐH Hải Phòng. Buổi nói chuyện có sự tham gia của gần 500 người.
Bình luận 0

Nhà giáo nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Hiệu trưởng nhà trường ông Phạm Văn Cương cho biết: Trường Đại học ( ĐH) Hải Phòng được thành lập từ năm 1968 là trường đại học đào tạo đa ngành. Trường có 38 đơn vị trực thuộc, 14 khoa, 1 viện, 800 cán bộ, viên chức với quy mô đào tạo khoảng 18.000 sinh viên.

Từ năm 2004 đến nay, trường có bước phát triển nhanh, khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt của nhà trường trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giảng viên nhà trường

Tại buổi nói chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ chính trị biểu dương những thành tích mà thầy và trò trường ĐH Hải Phòng đã đạt được trong thời gian qua.

Thủ tướng nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chính giáo dục đào tạo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Nếu như năm 2000 tỉ lệ lao động qua đào tạo chỉ có có 16% thì nay đã lên 51%, trong đó có sự đóng góp lớn của các trường đại học nói chung, Đại học Hải Phòng nói riêng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra: Hệ thống giáo dục Đại Học của Viêt Nam còn nhiều bất cập, tồn tại vì thế cần sự cố gắng, nỗ lực để chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Chúng ta phải có những định hướng mới, thiết thực trong giáo dục ĐH, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là với những trường nổi tiếng trên thế giới…

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho đại diện trường ĐH Hải Phòng

Đối với trường ĐH Hải Phòng Thủ tướng đưa ra những yêu cầu cụ thể như sau: Chất lượng đầu vào, đầu ra phải đáp ứng được những yêu cầu mới của đất nước. Nâng cao công tác quản lý, đổi mới phương pháp giáo dục, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ…

Cụ thể là đổi mới giáo trình giảng dạy, học phải đi đôi với hành, thể hiện cao tính chủ động, sáng tạo của cả giảng viên và sinh viên, tránh việc học thụ động – đến giảng đường chỉ đọc và ghi chép. Đặc biệt, lãnh đạo nhà trường phải luôn sát sao chăm lo đời sống của cán bộ, công nhân viện và các em sinh viên nghèo vượt khó, gia đình có công với cách mạng…

Nhà trường chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho các em hạn chế không để sinh viên tham gia vào các tệ nạn xã hội. Thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho sinh viên. Mỗi thầy cô trong giảng dậy cần chủ động, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy.

Chia sẻ với các em sinh viên Thủ tướng cho biết: “Chúng tôi cũng từng là sinh viên, trưởng thành từ những cán bộ, công dân bình thường, không phải tất cả đều sẽ trở thành thủ tướng, nhưng mỗi công dân tốt đều có thể đóng góp cho đất nước mình”.

Sinh viên là trung tâm của nhà trường. Bên cạnh việc trau dồi kiến thức, các em cần học làm người, rèn luyện đạo đức, góp ích cho đất nước. Sinh viên cần phải kính thầy, thương bạn, sống phải có lý tưởng, hoài bão, yêu thương cha mẹ, hăng hái tham gia hoạt động xã hội . Đặc biệt số lượng sinh của trường rất đông, các em cần có lý tưởng sống, bản lĩnh tránh để kẻ xấu lợi dụng, kích động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem