Sự cố môi trường biển xảy ra hồi tháng 4.2016 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống của khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã, phường, thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 4 tỉnh miền Trung.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hải sản tầng đáy ở 4 tỉnh miền Trung đã an toàn. Ảnh: Ngọc Vũ
Mặc dù các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều, đa dạng, phức tạp và chưa có tiền lệ... nhưng với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, Chính phủ đã thực hiện quyết tâm “không đánh đổi môi trường với bất cứ giá nào”, kịp thời chỉ đạo các bộ ngành vào cuộc sớm tìm nguyên nhân xảy ra sự cố, ban hành một số chính sách cấp bách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, chỉ đạo khôi phục sản xuất, môi trường.
Hội nghị dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Ngọc Vũ
Ngày 23.8.2016, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển (gọi là Ban chỉ đạo).
Theo đó, thực hiện quyết định số 772/QĐ-TTg và quyết định số 1138/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp tổng kinh phí hỗ trợ gạo và hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền cho 4 tỉnh miền Trung là 282,36 tỷ đồng. Các bộ, ngành cũng có nhiều hỗ trợ cho nhân dân.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Vũ
Đến nay, công tác bồi thường thiệt hại đã cơ bản hoàn thành. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến ngày 10.5.2018, tổng kinh phí các tỉnh đã chi trả hỗ trợ, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển là 6.428,9 tỷ đồng, tương đương 98,7% so với số đã phê duyệt (6.516 tỷ đồng).
Thủ tướng Chính phủ thăm hỏi, động viên ngư dân tại Quảng Trị vươn khơi bám biển. Ảnh: Ngọc Vũ
Các biện pháp khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân đảm bảo an sinh xã hội cũng được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ. Nhờ vậy, đến nay, việc khai thác, nuôi trồng thủy sản, hoạt động kinh doanh thủy sản đã cơ bản được khôi phục.
Cụ thể, sản lượng khai thác thủy sản của 4 tỉnh miền Trung năm 2017 đạt gần 152.000 tấn, tăng 23,5% so với năm 2016, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 46.000 tấn.
Hồi tháng 3.2017, ngư dân Quảng Trị trúng mẻ cá 160 tấn trị giá 5 tỷ đồng.
Nói chung, đến nay, sau 2 năm tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, nhìn chung tình hình chất lượng nước biển, môi trường biển đã được khôi phục, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, du lịch… của 4 tỉnh miền Trung trở lại bình thường, người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản, hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương bước đầu phục hồi, tình hình an ninh trật tự xã hội ổn định. Các chính sách hỗ trợ người dân về đảm bảo an sinh xã hội như chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ bảo hiểm y tế, học phí, đào tạo nghề và tạo việc làm đã được triển khai kịp thời và có hiệu quả cao.
Mô hình nuôi gà thả vườn chuyển đổi sinh kế của một người dân ven biển huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Ngọc Vũ
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác khắc phục sự cố môi trường biển.
Thủ tướng cho rằng, sự cố môi trường biển xảy ra là rất đáng tiếc, nhưng sau đó lại cho thấy, sau sự cố này người dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cán bộ chính quyền hơn.
“Có thể nói câu lửa thử vàng gian nan thử sức thể hiện rõ ở sự cố môi trường biển”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định, khi xử lý sự cố môi trường biển, Chính phủ không những bình tĩnh, vững vàng mà con chỉ đạo chặt chẽ, rõ ràng, công khai bằng những văn bản cụ thể để buộc tội được thủ phạm.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường cho các đối tượng còn tồn đọng; nghiên cứu đầu tư hạ tầng nghề cá, phục hồi, tái sinh hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường; phối hợp chặt chẽ đảm bảo an ninh trật tự; hỗ trợ y tế, giáo dục, tạo việc làm, đặc biệt là xuất khẩu lao động.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ TNMT phải có những biện pháp cụ thể, giám sát chặt chẽ, không để Formosa gây ô nhiễm môi trường lần thứ hai.
Thủ tướng cũng khuyến khích các tỉnh đầu tư công nghiệp sạch, như ở tỉnh Quảng Trị đang đầu tư điện gió.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hải sản tầng đáy ở 4 tỉnh miền Trung đã an toàn, ăn và xuất khẩu bình thường.
Thủ tướng tin tưởng, sự cố môi trường đã được khắc phục thì các tỉnh miền Trung sẽ vươn lên, phát triển tốt, đặc biệt là kinh tế biển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.