Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bình Thuận cần kế thừa thành quả đã đạt được, cố gắng, đoàn kết, quyết tâm hơn nữa

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 31/08/2022 08:33 AM (GMT+7)
Tối 30/8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Bình Thuận long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1992-2022). Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là ngày hội của Nhân dân trong tỉnh, đánh dấu sự phát triển và tiến bước vào chặng đường mới của tỉnh Bình Thuận.
Bình luận 0

Sau 30 năm, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã nỗ lực, phấn đấu

Dự lễ có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, các vị lãnh đạo các ban ngành trung ương và đại diện lãnh đạo các tỉnh: Ninh Thuận, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.

Tham dự về phía tỉnh Bình Thuận có ông Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tuấn Phong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các vị lãnh đạo tỉnh Bình Thuận qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; đại diện các dân tộc, chức sắc tôn giáo, nhân sỹ trí thức tiêu biểu của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bình Thuận cần kế thừa thành quả đã đạt được, cố gắng, đoàn kết, quyết tâm hơn nữa - Ảnh 1.

Ông Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy - Dương Văn An đã đọc diễn văn ôn lại quá trình từ lúc tái lập tỉnh Bình Thuận cho đến nay. Cách đây 30 năm, Bình Thuận được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Khi mới được tái lập, Bình Thuận là một trong những tỉnh khó khăn của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế quy mô nhỏ, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thương mại và dịch vụ kém phát triển; chất lượng nguồn nhân lực thấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn,… 

Sau 30 năm, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện.

Đặc biệt, thành tựu quan trọng và nổi bật nhất là phát triển hệ thống thủy lợi. Từ một tỉnh nắng gió, khô hạn nhất nước với nhiều vùng đất cằn cỗi, hoang hóa.  Đến nay, toàn tỉnh đã có 78 hệ thống thủy lợi với hàng trăm công trình lớn, nhỏ với tổng dung tích hơn 400 triệu m3; đưa diện tích gieo trồng được tưới chủ động tăng gấp 4 lần.

Cùng với đó, tỉnh đã từng bước biến khó khăn thành lợi thế, mạnh dạn tìm chọn hướng đi phù hợp, tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác và phát huy ngày càng hiệu quả. Nếu như năm 1991, du lịch chưa có trong cơ cấu thành phần kinh tế của tỉnh, thì đến nay, du lịch Bình Thuận vươn mình đã phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng bình quân 31,3%/năm, đóng góp vào tổng sản phẩm nội tỉnh trên 9%, đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. 

Bình Thuận đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh công nghiệp - dịch vụ, trong đó công nghiệp năng lượng có sự phát triển bứt phá, trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 48 nhà máy điện đang hoạt động với các loại hình: Thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió, với tổng công suất 6.520 MW; sản lượng điện thiết kế khoảng 31,6 tỷ kWh/năm.

Đến nay, quy mô nền kinh tế có bước phát triển vượt bậc. Tổng sản phẩm nội tỉnh năm 2021 gấp 22 lần năm 1992. Thu ngân sách nội địa (trừ dầu và xuất nhập khẩu) của tỉnh từ 77 tỷ đồng năm 1992 tăng lên 10.128 tỷ đồng năm 2021. Năm 2022, thu ngân sách dự ước trên 10 nghìn tỷ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Bộ mặt đô thị, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc. Cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, bưu chính viễn thông, nhu cầu điện, nước v.v... được đầu tư ngày càng nhiều và hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 14 đô thị, 69/93 xã đạt chuẩn nông thôn và 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, Chính quyền luôn được các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm.

Với những thành tựu to lớn đã đạt được qua 30 năm qua xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn sâu sắc sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương; biểu dương sự nỗ lực, cống hiến của các thế hệ cán bộ, đảng viên, tầng lớp Nhân dân; đồng thời rút ra những bài học, kinh nghiệm.

Nhấn mạnh mục tiêu đặt ra cho Đảng bộ và Nhân dân Bình Thuận là phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tích cực đổi mới, sáng tạo; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch; không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy kêu gọi các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh, xứng đáng với niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bình Thuận cần kế thừa thành quả đã đạt được, cố gắng, đoàn kết, quyết tâm hơn nữa - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những thành tựu to lớn mà Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đạt được. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Bình Thuận cần kế thừa thành quả đã đạt được, cố gắng, đoàn kết, quyết tâm hơn nữa

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Bình Thuận đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, góp phần thiết thực vào thành tựu chung của cả nước..

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Bình Thuận cần kế thừa thành quả đã đạt được, cố gắng, đoàn kết, quyết tâm hơn nữa. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá, góp phần cùng với cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới.

Bình Thuận cần tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân; phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bình Thuận cần kế thừa thành quả đã đạt được, cố gắng, đoàn kết, quyết tâm hơn nữa - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các vị lãnh đạo vào dự Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1992-2022)Ảnh: binhthuan.gov.vn

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Phát huy hơn nữa tinh thần dân chủ, kỷ luật, kỷ cương; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, trách nhiệm, liêm chính, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, trọng dân, biết lắng nghe tiếp thu những ý kiến xác đáng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, vì quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Mặt khác, quyết tâm phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột mà tỉnh đã xác định, chú ý cơ cấu lại từng thành phần kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực. Khuyến khích phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, điện khí LNG và năng lượng Hydrogen, đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng tầm quốc gia. Từng bước phát triển công nghiệp, nông nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế của địa phương. Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, không gian biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bình Thuận khẩn trương xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh hợp tác công tư, đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, tuyệt đối không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Giữ gìn và phát triển, phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc trong tỉnh; không ngừng chăm lo phát triển y tế, giáo dục, đào tạo. Thực hiện tốt chính sách người có công, gia đình chính sách, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tăng cường quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành, an toàn, văn minh và hiện đại. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân từ sớm, ngay từ cơ sở. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Thủ tướng cũng lưu ý Bình Thuận không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống các loại dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19; đẩy mạnh tiêm vaccine, đảm bảo an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; kiên quyết không để dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bình Thuận cần kế thừa thành quả đã đạt được, cố gắng, đoàn kết, quyết tâm hơn nữa - Ảnh 5.

Vùng biển Mũi Né TP.Phan Thiết. Ảnh: Bùi Phụ.

Thủ tướng nhấn mạnh, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ luôn sâu sát, đồng hành cùng tỉnh Bình Thuận. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Bình Thuận hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang cùng những thành tựu to lớn đã đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh với khát vọng và quyết tâm lớn với bản lĩnh và nghị lực; với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Thủ tướng tin tưởng và chắc chắn rằng, Bình Thuận sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Thiên nhiên, cây trái, biển, trời Bình Thuận; nét đẹp văn hóa, truyền thống lịch sử Bình Thuận; sự nỗ lực, sáng tạo, đổi mới để Bình Thuận ngày càng đẹp hơn. Bình Thuận sẽ là mảnh đất để xa mà nhớ, để chưa đến thì muốn đến, để đến rồi muốn quay trở lại. Bình Thuận sẽ là dấu ấn đẹp, thân thương trong mỗi du khách đến đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem