Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là do cơ chế, chính sách còn hạn hẹp
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là do cơ chế, chính sách còn hạn hẹp
Duy Hậu
Thứ sáu, ngày 01/07/2022 15:28 PM (GMT+7)
Ngày 1/7, tại Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 và Kết luận số 12-NQ/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên; các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Thay đổi tư duy để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, đánh giá thực trạng việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW.
Đồng thời, dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới tác động đến phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên.
Hội nghị cũng tập trung xác định vị trí, vai trò, cơ hội, tầm quan trọng và ảnh hưởng của vùng Tây Nguyên đối với phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng với vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Nam trung bộ, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và cả nước.
Đặc biệt, các đại biểu thảo luận, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở đó, các đại biểu cho rằng, để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững cần thay đổi tư duy trong phát triển. Trong đó, Tây Nguyên cần tăng liên kết vùng, đầu tư và kết nối hệ thống hạ tầng chiến lược.
Xây dựng và thực hiện các quy hoạch, trong đó tăng tính liên kết vùng và với cả nước; phát huy khối đại đoàn kết, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên...
Cơ chế, chính sách còn hạn hẹp
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận 12-NQ/TW, kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả khá toàn diện.
Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002; GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; công nghiệp phát triển nhanh; nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn, với nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước như cà phê, cao su, tiêu, cây ăn quả...
Tuy nhiên, vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn. Phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững, tăng trưởng kinh tế chậm lại; quy mô GRDP của vùng thấp nhất trong các vùng kinh tế - xã hội.
Các tỉnh Tây Nguyên chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao...
Thủ tướng cho rằng, Tây Nguyên vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là do cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; đầu tư chưa tương xứng, thể chế chưa giải quyết hết những vướng mắc của Tây Nguyên; quy hoạch phát triển địa phương và vùng chưa được xây dựng, thực hiện kỹ lưỡng; tính tự lực, tự cường chưa được phát huy...
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành phải bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Tỉnh đảng bộ của 5 tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung của cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý trên các trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương. Đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tiểu vùng sông Mê Công và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia và ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu phát triển Tây Nguyên phải phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là điểm đến đặc sắc thu hút khách du lịch; hệ sinh thái được bảo tồn, an ninh nguồn nước được đảm bảo; an ninh chính trị ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.