Ngày 28/12, dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà ngành thông tin truyền thông đã đạt được.
Theo Thủ tướng, trong năm 2019, cán bộ, công chức của Bộ TT-TT đã cố gắng vượt qua khó khăn, thác thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng đến mọi ngành, mọi lĩnh vực thì vai trò của ngành TT-TT lại càng lớn hơn. Hay những thách thức bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng, quản lý dịch vụ xuyên biên giới đã và đang gây ra những áp lực nhất định cho ngành.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm quy hoạch báo chí của Bộ TT-TT, cũng như nỗ lực quản lý mạng xã hội nước ngoài ở Việt Nam, đặc biệt là đóng góp của Bộ TT-TT cho công tác xây dựng Chính phủ điện tử. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn với tinh thần đó, ngành TT-TT sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh trong năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TT-TT chú trọng đến phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Trong lĩnh vực báo chí, mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nổi bật là tình trạng báo hóa tạp chí, buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản.
Bên cạnh đó, nhiều tờ báo chưa hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, vẫn còn tình trạng báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin. Vẫn còn tình trạng cá nhân, tổ chức nhũng nhiễu, gây mất thương hiệu tờ báo, nhất là báo mạng.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh những thông tin tiêu cực trên báo chí đã làm suy giảm năng lực tích cực của xã hội, chưa tạo ra một khát vọng của dân tộc. Những thông tin xấu độc, tin giả gây nhiễu làm cho xã hội thiếu đi niềm tin.
Theo Thủ tướng, Bộ TT-TT đã trình ký và thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí. Đây là một cuộc đấu tranh rất dài, từ nhiều nhiệm kỳ trước đã có nghị quyết Trung ương, song thực hiện quy hoạch đó không dễ.
"Không thể để tản mạn như trước đây, giờ quy hoạch sắp xếp lại nhưng không mất việc làm của những người làm báo. Làm sao để quản lý tốt hơn mà theo tinh thần là phải “nắm người có tóc”, chứ không phải để tình trạng không ai chịu trách nhiệm. Chúng ta phải đưa vào nề nếp, trong đó sự thúc đẩy truyền thông thông tin"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị báo chí tập trung phản ánh dòng chảy chính trị-xã hội của đất nước, tạo nên khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Song song với đó là thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí để phục vụ công tác quản lý tốt hơn.
Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý Bộ TT-TT đến vai trò và định hướng phát triển cộng đồng các doanh nghiệp ICT. Theo Thủ tướng, Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh trong phát triển.
Bộ TT-TT phải đặt vấn đề phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói riêng là định hướng quan trọng để xây dựng Việt Nam thành nước công nghệ phát triển.
Đi vào cụ thể, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ TT-TT trình Chính phủ ban hành Chỉ thị vào đầu năm 2020 để tiến tới trình Chính phủ chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Nhấn mạnh thông điệp "Make in Viet Nam", Thủ tướng khẳng định đây là sự dịch chuyển từ gia công sang làm chủ công nghệ, sáng tạo để khẳng định vị thể của Việt Nam. Và hơn ai hết, các doanh nghiệp chính là những "cánh chim đầu đàn" trong chiến lược "Make in Viet Nam".
Đối với việc thương mại hóa công nghệ di động 5G, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng tình với việc chúng ta không thể chậm chân hơn các nước được, khi mà các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất thành công thiết bị 5G. Thủ tướng cũng cho biết sẽ xem xét với đề xuất tắt sóng di động 2G để bộ sớm triển khai.
Trong khuôn khổi hội nghị tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử. Để khắc phục những hạn chế trong việc triển khai Chính phủ điện tử, Bộ TT-TT đã triển khai chương trình đào tạo 100 chuyên gia chính phủ điện tử nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia hạt nhân về chính phủ điện tử tại tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Chương trình đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt triển khai chính phủ điện tử nhắm đến các đối tượng là Trưởng Phòng CNTT của các Sở TT-TT, Giám đốc Trung tâm CNTT-TT của các Sở TT&TT, Trưởng Phòng Ứng dụng CNTT của các cơ quan chuyên trách như Cục CNTT của Bộ Y tế hay các Trung tâm CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Chương trình có 3 mục tiêu chính: Trang bị cho các học viên kiến thức chuyên sâu về CNTT và bài học kinh nghiệm hay về triển khai chính phủ điện tử trên thế giới và Việt Nam. Mỗi học viên sẽ được tham gia chương trình đào tạo thống nhất, thường xuyên, liên tục trong nhiều năm để trở thành những chuyên gia về chính phủ điện tử ở từng bộ, ngành, địa phương đủ sức giải quyết các vấn đề đặt ra ở bộ, ngành, địa phương mình.
100 chuyên gia tham gia chương trình sẽ hình thành một mạng lưới chuyên gia chính phủ điện tử từ Trung ương đến địa phương bởi tri thức trao đổi giữa các chuyên gia sẽ không tăng theo cấp số cộng mà tăng theo cấp số mũ.
|
Minh Chiến (Người Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.