Thủ tướng: “Tham nhũng trong DNNN, sân trước sân sau vẫn còn”

Nguyên Phương Thứ tư, ngày 16/10/2019 14:20 PM (GMT+7)
“Hiện tượng tham nhũng trong DNNN, sân trước sân sau vẫn còn, thậm chí cả vườn sau. Chúng ta cần khắc phục cái này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP).

Còn nhớ, tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại ở khối DNNN như vấn đề công khai minh bạch, quản trị yếu kém, không chịu học hỏi, sân trước-sân sau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi muốn nói là có ông không chỉ 1 sân sau mà còn 2-3 sân sau, thậm chí là 12-13, 13-14 sân sau. Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau buôn bán nguyên vật liệu. Tôi khẳng định không phải là Thủ tướng không biết đâu”.

Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước diễn ra sáng 16/10/2019, vấn đề sân trước-sân sau tiếp tục được Thủ tướng nhắc lại với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Thậm chí, Thủ tướng đã nhắc thêm việc nhiều cán bộ còn có cả “Vườn sau”.

“MobiFone vẫn đứng vững sau sự cố AVG là điều đáng mừng”

Mở đầu phần phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam đa thành phần, bình dẳng trước pháp luật, trong đó, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

“Kinh tế nhà nước bao gồm tài sản nhà nước, NSNN, đất đai nhà nước, DNNN có vai trò đặc biệt quan trọng. Bất cứ nước nào, thậm chí những nước tư bản phát triển ở châu Âu đều có DNNN. Vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường rất quan trọng, đáp ứng phát triển đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Vì vai trò quan trọng của DNNN nên Đảng đã có chủ trương cổ phần hoá, cơ cấu lại DNNN từ đầu những năm 90 của Thế kỷ XX.

Nhìn lại hoạt động của các Tập đoàn, Tổng Công ty trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Nhiều nước trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế đã bị mất một lượng tài sản nhà nước lớn, chúng ta cũng vậy. Song chúng ta đã có biện pháp kịp thời hơn để ngăn chặn việc này. Với nhiều cách làm, nhiều chủ trương, chúng ta đã chống sự trì trệ, thất thoát cơ bản trong DNNN.  

Từ đó giúp tài sản tăng, giảm hàng tồn kho, chống thất thoát, tham nhũng, tạo nguồn thu lớn cho nhà nước. Nhờ vai trò của DNNN trên một số lĩnh vực nên chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô trở nên tốt hơn trong bối cảnh diễn biến quốc tế có nhiều biến động.

Ngoài ra, nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước như VNPT, EVN, Viettel đã tái cơ cấu thành công, doanh thu và lãi đều tăng. Còn các NHTM nhà nước có đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc dân. Thậm chí, MobiFone có nhiều sự cố như AVG. nhưng doanh thu, lãi, thương hiệu vẫn giữ vững. Đây là điều đáng mừng”.

DNNN vẫn còn sân trước-sân sau, thậm chí vườn sau

Nhắc tới những tồn tại của khối DNNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiệu quả kinh doanh của khối này còn thấp. Ngoài ra, phương án cổ phần hoá, xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị sử dụng đất và giá trị văn hoá, lịch sử còn gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, cơ chế phối hợp giữa Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty còn nhiều bất cập. Nhiều nơi còn tâm lý ỉ lại, quyền anh-quyền tôi, chưa vì đại cục đất nước.

“Tốc độ tăng doanh thu có tăng lên, thu hút vốn đầu tư, phát triển mới vẫn thấp hơn so với các DN ngoài nhà nước và FDI. Còn nhiều DN sau cổ phần hoá chưa làm tuân thủ quy định về quản lý, giao dịch, niêm yết trên TTCK. Đặc biệt là tồn tại về thoái vốn, thoái cơ cấu. Thời gian tới, chúng ta cần làm tốt hơn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đưa người tài vào DNNN thường làm chậm.

Nguyên nhân có nhiều, có khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Bởi nhiều Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước còn chưa nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn. Chúng ta đã có danh mục hết rồi, quan trọng là có làm được không?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra vấn đề.

Tiếp đó, Thủ tướng nhắc nhở các Tập đoàn, Tổng công ty về việc lựa chọn cán bộ, lãnh đạo.

“Vấn đề cán bộ quyết định tới sự tồn vong của một cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các Bộ, ngành, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chủ động việc này. Đừng để sắp về hưu rồi, vẫn ôm mà chưa tìm được người thay thế. Các đồng chí sắp nghỉ hưu mà kéo dài thêm là không hay đâu”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục lưu ý tư tưởng ngại thay đổi, không muốn đổi mới, đặt lợi ích cá nhân, lợi ích của ngành lên trên.

“Hiện tượng tham nhũng trong DNNN là còn, sân trước-sân sau, thậm chí vườn sau là có. Chúng ta cần khắc phục cái này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Mỗi tập đoàn, tổng công ty phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo

Với mong muốn các Tập đoàn, Tổng công ty nha nước ngày càng lớn mạnh, đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 6 vấn đề lớn cần nỗ lực trong thời gian tới.

Thứ nhất, Bộ máy điều hành cần nâng cấp, ứng dụng cách quản trị hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn, Tổng công ty. Kể cả áp dụng các chỉ số theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hai là, DNNN cần đi đầu trong nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ. Mỗi tập đoàn, tổng công ty phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo.

“Bổn cũ chép lại không tốt đâu. Tình trạng chậm chạp, lạc hậu còn rất khổ biến trong DNNN. Mình không đổi mới phát triển sẽ rất khó khăn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tâm sự.

Ngoài ra, DNNN cần đi đầu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, thực hiện theo Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về chuyển đổi số.

Thứ ba, chủ động hội nhập, vươn ra quốc tế. Các DNNN lấy thị trường nội địa là trọng tâm và bàn đạp để kết nối chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Thủ tướng cũng thể hiện sự đồng tình với quan điểm trao quyền tự chủ“cho anh em, tin tưởng anh em, nhưng có cơ chế kiểm soát quyền lực.

“Đừng để một chợ, một vùng rồi sau này đổ bể”, Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc nói.

Thứ tư, khắc phục được những thất bại của thị trường, quan tâm đầu tư các địa bàn mà tư nhân không muốn đầu tư, hoặc lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng. Đây phải được coi là một tiêu chí trong việc đánh giá hiệu quả của DNNN.

Thứ năm, DNNN cần góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Thứ sáu, DNNN phải tiên phong trong nhiều lĩnh vực, điển hình như xây dựng chính phủ điện tử, mạng viễn thông 5G.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem