Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục nghe góp ý về kỳ thi chung

Quốc Hải - Tùng Anh Thứ tư, ngày 27/08/2014 10:58 AM (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Đổi mới Giáo dục và Đào tạo, đã có những kết luận chỉ đạo về đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân; chương trình, sách giáo khoa (SGK); phương án tổ chức kỳ thi THPT… trong ngày 26.8.
Bình luận 0

Phát biểu kết luận tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Đổi mới Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đến đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể, về chương trình sách giáo khoa, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương biên soạn chương trình chuẩn, thống nhất; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các phương án biên soạn SGK để báo cáo Quốc hội.

img Ảnh minh họa từ internet

 

Riêng với vấn đề tổ chức thêm 1 năm ở bậc THCS (10 năm giáo dục cơ bản + 2 năm THPT), tổ chức trường chuyên, Thủ tướng cho rằng cần phải được nghiên cứu tiếp.

Về hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành liên quan phải có những bước chuẩn hóa lại hệ thống này từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo hướng liên thông mở, có sự quản lý thống nhất giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ - TB & XH. Hệ thống ĐH phân loại thành ĐH nghiên cứu và ĐH nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành.

Về kỳ thi quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc tổ chức một kỳ thi phải được sự đồng thuận cao của xã hội, đảm bảo được 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở căn cứ xét tuyển vào ĐH. Cụ thể, đối với 3 phương án thi của Bộ GD-ĐT, Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục lắng nghe các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của người dân. Riêng với phương án do ĐHQG Hà Nội đề xuất (phương án 1 bài thi tổng hợp), thì Bộ GD-ĐT cũng phải xem xét kỹ để từ đó lựa chọn ra phương án tối ưu, căn bản tạo thuận lợi cho học sinh.

“Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về vấn đề này và sớm lựa chọn phương án để công bố. Bộ chọn phương án nào thì phải nêu rõ lý lẽ, giải thích cho người dân, xã hội hiểu và ủng hộ”,  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Cũng tại phiên họp, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo có nêu trước mắt giữ cơ bản hệ thống giáo dục nhưng có những vấn đề cần phải xem  xét ngay vì liên quan đến đổi mới chương trình, SGK.

Theo đó, đối với giáo dục phổ thông thì chương trình, SGK sẽ đổi mới theo định hướng tích hợp ở dưới, phân hóa ở bên trên, sâu theo năng khiếu. Bậc giáo dục đại học (ĐH) thì có phân loại thành ĐH nghiên cứu, ứng dụng, thực hành, đáp ứng 2 yêu cầu, đó là tương thích quốc tế; đảm bảo tính liên thông mở để xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Trong báo cáo định hướng đổi mới hệ thống giáo dục, Bộ GD ĐT đề xuất và phân tích về những ưu điểm, hạn chế 2 phương án, là Phương án giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay (9 năm giáo dục cơ bản + 3 năm THPT); phương án thêm 1 năm ở bậc THCS (10 năm giáo dục cơ bản+2 năm THPT).

Đối với đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp và ĐH, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất cơ bản về hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề.

Theo đó, sẽ tiến hành sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp ở quận/huyện; các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề; cao đẳng và cao đẳng nghề.

Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển mô hình trường cao đẳng cộng đồng tại các địa phương, tổ chức đào tạo nhân lực ở các cấp trình độ sơ cấp nghề; trung học hề và cao đẳng nghề.

Trong khi đó, hệ thống giáo dục đại học sẽ được phân loại theo 2 hướng: Nghiên cứu và nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành; đồng thời sẽ hình thành một số trường ĐH triển khai cả chương trình đào tạo theo cả 2 hướng trên.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem