Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo thực trạng thiếu hụt phi công

Thứ bảy, ngày 15/06/2019 08:48 AM (GMT+7)
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không.
Bình luận 0

img

Theo đó, trong ý kiến chỉ đạo ngày 14/6, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không trước tình trạng thiếu nhân lực cản trở sự phát triển của ngành. Bộ này cần báo cáo Thủ tướng trong tháng 6.

Chỉ đạo của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh thị trường hàng không trong nước đã tăng liên tục nhiều năm gần đây, cùng với thị trường đón nhận thêm những hãng bay mới, đang khiến nguồn nhân lực trong ngành căng thẳng. Đặc biệt là vị trí phi công, kỹ thuật viên tàu bay.

Từng chia sẻ về thực trạng nguồn nhân lực phi công, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết để đào tạo một phi công lái chính phải tốn rất nhiều thời gian.

Nếu đào tạo phi công lái chính máy bay thông thường Airbus A320, A321, hãng cần ít nhất 3-4 năm. Còn nếu đào tạo phi công lái máy bay cỡ lớn như Airbus A350, Boeing 787 thì phải cần tới 7-8 năm.

Trong khi đó, thị trường hàng không đang cạnh tranh mạnh hơn với sự tham gia của nhiều hãng. Vietnam Airlines đang phải đối diện với nguy cơ “chảy máu” chất xám do các doanh nghiệp mới sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút, "kéo" phi công của hãng này.

Nguyên nhân chính của tình trạng lôi kéo nhân sự giữa các hãng bay chính là việc thiếu hụt nguồn cung nhân sự trong ngành.

Số liệu từ Bloomberg cho biết các hãng bay giá rẻ mới ra đời tại châu Á, trong đó có Việt Nam, đang đối mặt với tình trạng thiếu phi công khiến hoạt động kinh doanh bị kìm hãm.

Theo hãng tin này, tính riêng tại Đông Nam Á, các hãng hàng không giá rẻ có 1.400 máy bay đã đặt hàng đang chờ nhận. Trong khi đó, nguồn cung phi công đang tụt lại phía sau. Do đó, các hãng bay đang chật vật để tìm được đội bay giỏi.

Cùng với số lượng tàu bay tăng, lượng khách bay dự kiến cũng sẽ tăng gấp đôi trong hai thập kỷ tới với tăng trưởng lớn nhất đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi được cho là sẽ có thêm 4 tỷ lượt khách, theo ước tính từ IATA.

Boeing cũng dự đoán khu vực này sẽ cần thêm 16.930 máy bay mới và khoảng 261.000 phi công từ nay tới năm 2037. Điều này đồng nghĩa đội bay và đội phi công của các hãng sẽ cần tăng thêm gấp đôi trong giai đoạn này.

Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không cũng luôn đạt 2 chữ số trong hơn 10 năm qua. Hiện tại, toàn thị trường có tới 5 hãng hàng không cùng duy trì hoạt động kinh doanh gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco, và mới nhất là Bamboo Airways.

Số lượng tàu bay của các hãng cũng đã tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua, chưa kể số tàu bay từ việc bán và thuê lại.

Chỉ tính trong giai đoạn 2008-2018, số tàu bay trong nước đã tăng từ 60 chiếc lên 192 chiếc. Nếu tính riêng số lượng tàu bay của các hãng hàng không trong nước sở hữu cũng đã tăng từ 29 tàu lên 57 tàu.

Đi liền với đó là sức ép lên hạ tầng hàng không, nhân lực ngành và nhân lực quản lý đảm bảo an toàn hàng không.

Quang Thắng (Zing.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem