Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với các chủ đầu tư.
Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì, tỉnh mời gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng mới và vật liệu nhẹ; công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; khu du lịch, vui chơi giải trí cao cấp.
Ông Nguyễn Văn Trì nêu rõ phương châm của tỉnh là: “Các nhà đầu tư đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 6.2016, Vĩnh Phúc đã thu hút 837 dự án, trong đó có 221 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư là 3,4 tỷ USD. Hiện nay, có nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Vĩnh Phúc như Toyota, Honda (Nhật Bản), Piaggio (Italy), Patron Vina, Heasung Vina, Jahwa, Sindoh (Hàn Quốc)…
Bà Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) năm 2015 xếp vị trí 4/63 tỉnh, thành và được xem là một trong những điểm sáng ở khu vực phía Bắc. “Ngoài các dự án FDI, Vĩnh Phúc còn thu hút được 646 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký trên 51.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa đáp ứng lòng mong đợi về thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển để đạt được các mục tiêu dài hạn đã đặt ra”, bà Lan cho biết.
Đánh giá cao tốc độ phát triển nhanh của Vĩnh Phúc thời gian qua, nhất là thu ngân sách đạt 31.000 tỷ đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có 3 “điểm nghẽn” phát triển của Việt Nam, thì Vĩnh Phúc đã giải quyết tương đối rõ nét. Đó là có thể chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng phát triển tốt, nguồn nhân lực được đào tạo căn bản. Đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn tới thành công của Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhìn nhận, tiềm năng của tỉnh còn rất lớn như Vĩnh Phúc được quy hoạch là vùng Thủ đô, có nhiều danh lam thắng cảnh, thương hiệu của một tỉnh lớn như Vĩnh Phúc đã xuất hiện bản đồ Việt Nam, một tỉnh Vĩnh Phúc đáng sống đã bắt đầu hình thành.
Thủ tướng mong muốn Vĩnh Phúc sẽ nghiên cứu, vận dụng, phát huy tiềm năng này, làm sao tỉnh vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhất trong nhiệm kỳ này.
Lễ khởi công dự án khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2.
Vì vậy, Vĩnh Phúc cần có tầm nhìn đưa tỉnh trở thành trung tâm kinh tế động lực vùng Bắc Bộ và cả nước, một thành phố công nghiệp dịch vụ, một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, du khách và những ý tưởng sáng tạo.
Thủ tướng đề nghị Vĩnh Phúc, quê hương của “khoán 10”, phải được coi là nơi khởi nguồn của đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn.
Để đạt tầm nhìn mạnh bạo đó, thì điểm then chốt là xây dựng được niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào Vĩnh Phúc.
Nhân dịp này, Thủ tướng nêu một số gợi ý với tỉnh trong định hướng phát triển của mình. Thứ nhất, muốn phát triển nhanh, bền vững thì Vĩnh Phúc phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong phát triển.
Thứ hai, tiếp tục cải thiện môi trường sống, môi trường xã hội cho nhà đầu tư tốt hơn nữa.
Cùng với chính quyền Trung ương, Vĩnh Phúc phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc tinh thần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Chính phủ, các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh phải chuyển biến thì cả xã hội mới chuyển biến được. “Người ta thấy xã hội mình tốt như thế, đẹp như thế thì các nhà đầu tư mới vào Việt Nam, trong đó có Vĩnh Phúc”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Vĩnh Phúc phải “3 cùng” với doanh nghiệp: Cùng trăn trở, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất, thiết thực nhất; cùng làm, bắt tay vào hành động để kiến tạo phát triển; cùng chia sẻ thành công cũng như những thất bại, động viên, tôn vinh kịp thời đối với doanh nghiệp.
Thứ ba, Vĩnh Phúc phải tiếp tục đi đầu trong phong trào khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phải tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp vào năm 2020.
Thứ tư, việc chuyển giao công nghệ, hay phát triển cụm ngành, công nghiệp phụ trợ rất quan trọng, trong đó, đòi hòi phải có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Thủ tướng tin rằng, nếu có mặt bằng và nguồn nhân lực chất lượng cao thì công nghiệp phụ trợ ở Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục phát triển.
Chiều cùng ngày, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức khởi công dự án khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2. Bên cạnh đó, trong dịp này, Vĩnh Phúc đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án của 21 nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư cam kết sẽ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đầu tư tương đương hơn 7,1 tỷ USD.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.