Xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Linh hoạt chính sách để thu hút doanh nghiệp

Thứ ba, ngày 26/11/2013 07:02 AM (GMT+7)
Ngày 25.11, trong khuôn khổ Diễn đàn MDEC – Vĩnh Long 2013, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2013”.
Bình luận 0
Chưa phát huy lợi thế vùng

ĐBSCL là vùng nuôi, đánh bắt thủy sản lớn nhất nước (chiếm 70% diện tích nuôi, 58% sản lượng thủy sản cả nước). Tuy nhiên, tại hội nghị theo nhận định của nhiều đại biểu, với một vùng đất đầy tiềm năng như ĐBSCL thì sự phát triển như thời gian qua vẫn còn chưa tương xứng, còn nhiều bất cập. Cụ thể, công tác quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái… còn chậm hoặc đã có quy hoạch nhưng chất lượng chưa tốt; chưa khai thác tốt tiềm năng và đạt hiệu quả các mặt hàng nông sản chủ lực. ĐBSCL có phát triển nhưng chưa bền vững, sức cạnh tranh thấp, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh (giữa) chủ trì và chỉ đạo hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh (giữa) chủ trì và chỉ đạo hội nghị.

Ông Chu Văn An - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – Cà Mau bức xúc: “Giữa ngân hàng, người nuôi tôm và doanh nghiệp chưa có sự liên kết, chưa tìm được tiếng nói chung. Để tạo được sự liên kết chặt chẽ, đôi bên cùng có lợi, tôi đề xuất các hộ nuôi tôm cần phải tập trung, liên kết vùng nuôi lại với nhau, gắn kết với doanh nghiệp, để từ đó doanh nghiệp sẽ đứng ra bảo lãnh vay vốn ngân hàng và người nuôi phải cam kết bán nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp”.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu còn tỏ ra hết sức thất vọng về nguồn vốn FDI đầu tư vào các lĩnh vực trên địa bàn ĐBSCL là hết sức “khập khiễng”, nhất là vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Vốn FDI trên địa bàn vùng ĐBSCL tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 663 dự án; tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 11 dự án (với tổng vốn đăng ký là 1,88 tỷ USD); lĩnh vực xây dựng với 7 dự án (đạt 518 triệu USD)... Trong khi đó, về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản dù đứng THỨ 2/14 về số dự án nhưng vốn đăng ký chỉ đạt... 165 triệu USD.

Rà soát, cơ cấu lại sản xuất

Ông Trần Hữu Hiệp – Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) cho rằng: “Để cải thiện tình hình thu hút đầu tư vào ĐBSCL, việc tăng cường quảng bá hình ảnh của vùng là rất quan trọng. Thay vì từ trước đến nay, từng địa phương xúc tiến đầu tư riêng lẻ thì nên liên kết xúc tiến chung cho toàn vùng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa mang lại hiệu quả thiết thực”. Về nguồn vốn cho khu vực này, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tới đây sẽ tập trung cho các lĩnh vực vốn là thế mạnh của khu vực này, như: Nuôi, trồng chế biến xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và trái cây.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013, các tỉnh, thành trong vùng đã giới thiệu 138 dự án mời gọi đầu tư với số tiền trên 416.000 tỷ đồng và 1,89 tỷ USD. Trong đó, TP.Cần Thơ và các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An... sẽ tiến hành trao chứng nhận đầu tư cho 26 dự án với số tiền hơn 6.000 tỷ đồng và 93 triệu USD; các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh sẽ trao 4 chủ trương đầu tư với số tiền 1.838 tỷ đồng; tỉnh Long An sẽ ký kết 2 hợp đồng tín dụng với số tiền 121 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Bên cạnh những mặt đạt được thì sự phát triển của vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế và chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế. Sản xuất kinh doanh thì chưa bền vững, được mùa thì mất giá nên hiệu quả chưa được tốt; hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ, chưa tạo điều kiện tốt thu hút vốn đầu tư của nước ngoài cũng như đầu tư ở trong nước”.

Để khắc phục nhanh những hạn chế và đưa công tác xúc tiến đầu tư sớm đi vào thực tiễn bằng những dự án cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL khẩn trương rà soát quy hoạch, sớm triển khai những dự án đã kêu gọi và được cấp phép đầu tư để tăng tính hiệu quả, tạo bước đột phá. Bên cạnh đó, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách để kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Đức Khánh (Đức Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem