Thừa Thiên Huế triển khai chiến dịch cấp phát chữ ký số cho toàn dân
Thừa Thiên Huế triển khai chiến dịch cấp phát chữ ký số cho toàn dân
Trần Hòe
Thứ bảy, ngày 29/07/2023 12:01 PM (GMT+7)
Với việc thực hiện chiến dịch cấp phát chữ ký số cho toàn dân, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ đến từng hộ gia đình ở Thừa Thiên Huế để hỗ trợ cấp phát chữ ký số.
Sáng 28/7, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cùng 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số (Viettel, VNPT, Misa, Bkav, FPT, Nacencom) tổ chức Lễ phát động Chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân và công bố ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Hue-S.
Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, chữ ký số là công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, phát triển kinh tế số và hình thành công dân số. Trong đó, ưu điểm hàng đầu mà chữ ký số mang lại đó là sự nhanh gọn trong thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch điện tử, không cần trực tiếp ký tay.
Sau lễ phát động này, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai chương trình phổ cập chữ ký số cho toàn dân trong vòng 12 tháng với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: 3 tháng kể từ ngày công bố kích hoạt chương trình. Giai đoạn này, các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số sẽ đến từng hộ gia đình để hỗ trợ cấp phát chữ ký số cho toàn dân.
Giai đoạn 2: 9 tháng kể từ thời gian kết thúc giai đoạn 1. Giai đoạn này người dân chưa được cấp phát sẽ chủ động qua các kênh được công bố để đăng ký cấp phát. Việc đến tận hộ gia đình hỗ trợ tùy thuộc vào chương trình của các doanh nghiệp.
Với sự cam kết của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, người dân sẽ được cấp chữ ký số với các chính sách hỗ trợ như: Miễn phí trong vòng 1 năm bao gồm phí khởi tạo chữ ký số và ký số dịch vụ công trực tuyến; các dịch vụ khác sử dụng bao nhiêu trả bấy nhiêu theo khung giá của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số.
Tùy vào chính sách của mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ, người dân có thể lựa chọn thay đổi đơn vị khác hoặc tạm dừng cho đến khi có nhu cầu trở lại mà không bị bất cứ ràng buộc nào khi kết thúc chương trình hỗ trợ sau 1 năm.
Sau khi được cấp chữ ký số, người dân có thể sử dụng để đăng ký dịch vụ công trực tuyến mà không cần mang theo giấy tờ in sẵn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Người dân chỉ cần ngồi tại nhà hay bất cứ đâu, điền các thông tin theo mẫu có sẵn trên dịch vụ công của Hue-S và thực hiện ký số thì sẽ được cơ quan nhà nước chấp nhận.
Cũng trong sự kiện này, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế công bố chính thức ra mắt ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Hue-S. Ứng dụng sẽ giúp người dân có cách tiếp cận mới, thân thiện và tiện dụng trong quá trình tìm kiếm, nộp, thanh toán phí, lệ phí và theo dõi các hồ sơ dịch vụ công của cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp. Ứng dụng cũng sẽ hỗ trợ chức năng ký số hồ sơ cho phép kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hiện nay; hỗ trợ thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử trên Hue-S. Qua đó, sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng hoạt động dịch vụ công, tăng tỷ lệ các thủ tục trực tuyến toàn trình của tỉnh Thừa Thiên Huế.
FPT Telecom, đơn vị tích hợp ví điện tử trên Hue-S, cũng sẽ công bố cam kết chính sách ưu đãi cho người dân khi thanh toán các khoản phí, lệ phí dịch vụ công thông qua ví điện tử trên Hue-S. Người dân có thể sử dụng ví điện tử hoặc mọi loại thẻ gắn trên Hue-S để thanh toán với chính sách ưu đãi đặc biệt của Tập đoàn FPT dành cho tỉnh Thừa Thiên Huế là miễn phí giao dịch trong 2 năm áp dụng khi thanh toán bằng số dư ví điện tử trên Hue-S hoặc thanh toán trực tiếp từ thẻ nội địa đã được liên kết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.