Thừa Thiên Huế hỗ trợ để 100% người dân tiếp cận chương trình phổ cập smartphone
Thừa Thiên Huế hỗ trợ để 100% người dân tiếp cận chương trình phổ cập smartphone
Trần Hòe
Thứ ba, ngày 18/07/2023 19:02 PM (GMT+7)
Nhằm phát triển hạ tầng số, Thừa Thiên Huế sẽ có chính sách hỗ trợ, trợ giá cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách để đảm bảo 100% người dân được tiếp cận chương trình phổ cập điện thoại thông minh (smartphone).
Ngày 18/7, theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cơ quan này vừa ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch đã đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đối với việc phát triển hạ tầng số ở tỉnh đến năm 2025.
Về hạ tầng viễn thông băng rộng, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng di động đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 100%; tỷ lệ dùng chung vị trí trạm BTS đạt 30%, dùng chung cột treo cáp đạt 98%...
Về việc sử dụng dịch vụ viễn thông, tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (SMP)/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 80%; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 95%; tỷ lệ hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet đạt 90%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 100%...
Đối với hạ tầng điện toán đám mây, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu 100% cơ quan quản lý nhà nước dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số; 70% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp; trung bình mỗi người dân có 1 tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Đối với hạ tầng công nghệ số, Thừa Thiên Huế phấn đầu các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT) bước đầu thâm nhập vào nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng và thiết lập ban đầu hệ thống tiêu chuẩn AI, blockchain, IoT; hình thành được nhóm các chuyên gia hỗ trợ sự phát triển công nghệ AI, blockchain, IoT được thành lập, hệ sinh thái hạ tầng công nghệ AI, blockchain, IoT được hình thành...
Về nền tảng số, Thừa Thiên Huế phấn đấu 100% cơ quan, tổ chức nhà nước, 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Tỉnh cũng sẽ hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Để đạt được những mục tiêu nói trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra các giải pháp triển khai nhằm thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các hạ tầng băng rộng, ứng dụng các công nghệ mới; phát triển hạ tầng điện toán đám mây; chuyển đổi từ cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ số, phát triển các nền tảng cung cấp hạ tầng công nghệ số, hát triển nền tảng số.
Đáng chú ý, Thừa Thiên Huế sẽ có chính sách ưu tiên người sử dụng thiết bị do Việt Nam sản xuất và hỗ trợ, trợ giá cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh để đảm bảo 100% người dân được tiếp cận chương trình phổ cập điện thoại thông minh (smartphone).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.