Thúc đẩy giải phóng tiềm năng của nông dân

Thứ hai, ngày 19/03/2012 03:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 16.3, trong thông điệp gửi Hội nghị cấp cao về an ninh dinh dưỡng, lương thực và nông nghiệp bền vững (diễn ra tại New York, Mỹ), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi các nước tìm cách giải phóng tiềm năng to lớn của nông dân, đặc biệt là phụ nữ, để tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu.
Bình luận 0

Tổng Thư ký Ban Ki-moon nêu rõ: Nông dân và những người sản xuất lương thực, chủ yếu là phụ nữ, có tiềm năng khổng lồ để đảm bảo an ninh dinh dưỡng và lương thực cho cả thế giới. Để tiềm năng của mỗi hộ gia đình được huy động tối đa, các thị trường cần được phát triển công bằng, phụ nữ và trẻ em cần dinh dưỡng tốt hơn để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng đang tác động đến 200 triệu trẻ em trên toàn cầu, cũng như những người nghèo nhất cũng cần được biết họ có thể được xã hội bảo vệ để thoát khỏi đói nghèo.

Phụ nữ nông thôn chiếm 25% dân số thế giới và chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động ở nông thôn. 43% trong 1,3 tỷ nông dân sản xuất nhỏ và nông dân không có đất ở nông thôn là phụ nữ. Giám đốc điều hành Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc - bà Michelle Bachelet cho biết, nếu phụ nữ nông thôn được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, năng suất lao động được tăng thêm có thể giúp 100- 150 triệu người thoát cảnh sống cùng khổ. Để mọi người đều được hưởng quyền có lương thực, các nước cần thay đổi cách tiếp cận hiện hành đối với an ninh lương thực để giải phóng tiềm năng của hàng triệu nông dân và những người sản xuất lương thực trên thế giới.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh nhu cầu khuyến khích sản xuất lương thực nhiều dinh dưỡng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thừa nhận liên kết quan trọng giữa lương thực, nước và năng lượng.

Trong bối cảnh thời tiết ngày càng khó dự báo hiện nay, nông nghiệp cần có sức bật lớn hơn và thích ứng hiệu quả hơn với thời tiết; tránh lãng phí lương thực, coi trọng lợi ích của tài nguyên thiên nhiên trong tính toán giá trị của lương thực; đảm bảo phụ nữ và nông dân sản xuất nhỏ cũng như các nhà sản xuất lương thực đều được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp.

Theo Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc, ở 17 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ phụ nữ trong các hội đồng nông thôn chỉ từ 0,6 đến 37%. Cộng đồng quốc tế đã đóng góp 7,5 tỷ USD viện trợ phát triển chính thức cho phát triển nông thôn và nông nghiệp từ năm 2008-2009, nhưng chỉ 3% trong số này được phân phối cho các chương trình có mục tiêu là bình đẳng giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem