Thúc đẩy tương lai chuyển đổi số cho lĩnh vực thanh toán
Thúc đẩy tương lai chuyển đổi số cho lĩnh vực thanh toán
Thứ bảy, ngày 31/07/2021 12:52 PM (GMT+7)
Các dự đoán của giới chuyên gia cho thấy, dịch bệnh COVID-19 sẽ lan rộng, các thói quen trên nền tảng số sẽ được duy trì và phong cách sống hướng đến công nghệ số tại Đông Nam Á sẽ được thúc đẩy bởi những trải nghiệm thanh toán sáng tạo.
Hình thành thói quen thanh toán mới trên nền tảng số
Theo nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng 2021, 85% người tiêu dùng trên khắp Đông Nam Á chấp nhận các phương thức thanh toán số như thanh toán bằng thẻ, thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán di động, ví điện tử và thanh toán bằng mã QR. Gần 2/3 người tiêu dùng ở Đông Nam Á (64%) đã trải nghiệm không dùng tiền mặt, đặc biệt là người tiêu dùng ở Việt Nam (84%), Thái Lan (82%) và Philippines (79%).
Với sự hiện diện của ngày càng nhiều các phương thức thanh toán hiện đại và mới mẻ trên khắp Đông Nam Á, người tiêu dùng có vô số các lựa chọn và cũng vì thế, sở thích thanh toán của họ trở nên đa dạng hơn. Cũng theo nghiên cứu trên, thẻ không tiếp xúc vẫn duy trì mức độ phổ biến tại khu vực này, với tỉ lệ sử dụng dẫn đầu tại Singapore (75%), Malaysia (65%) và Thái Lan (41%).
Tuy nhiên, ở một số thị trường nhất định, vẫn còn nhiều cơ hội rất lớn để thúc đẩy việc sử dụng thẻ không tiếp xúc. Gần 4/5 người không sử dụng thẻ không tiếp xúc (74%) quan tâm đến việc áp dụng phương thức thanh toán này, đặc biệt là ở Philippines (88%), Việt Nam (87%) và Thái Lan (85%).
Mặc dù thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động ít phổ biến hơn trong khu vực, tuy nhiên, chúng cũng có sự gia tăng nhất định tại các thị trường như Thái Lan (45%), Singapore (45%), Việt Nam (45%) và Malaysia (37%).
Theo đó, tiềm năng để thúc đẩy áp dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động là rất lớn, với 7/10 người chưa sử dụng quan tâm đến phương thức thanh toán này, đặc biệt là ở Thái Lan (85%) và Việt Nam (84%). Khi các hình thức thanh toán mới liên tục xuất hiện trong khu vực, người tiêu dùng có khả năng tiếp cận nhiều loại hình thanh toán số khác nhau, họ có xu hướng lựa chọn hình thức thanh toán sáng tạo hơn.
Tăng trưởng của thương mại điện tử được nhìn thấy rõ rệt ở Đông Nam Á, khi người tiêu dùng bắt đầu hình thành thói quen mua sắm mới do tác động của đại dịch. COVID-19 đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng Đông Nam Á lần đầu tiên mua hàng trực tuyến qua các trang web (43%) và mạng xã hội (35%). Đặc biệt, mua sắm qua mạng xã hội cũng trở nên phổ biến hơn ở Philippines (45%), Thái Lan (44%) và Việt Nam (44%), với gần một nửa người tiêu dùng được khảo sát ở mỗi thị trường cho biết đây là lần đầu tiên họ mua sắm trên mạng xã hội.
Cơ hội kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số cho các doanh nghiệp
Ông Tareq Muhmood, Giám đốc Visa khu vực Đông Nam Á nhận xét rằng, khi sở thích và thói quen của người tiêu dùng liên tục thay đổi, doanh nghiệp có thể đáp ứng sự hài lòng của người tiêu dùng bằng các chiến lược thúc đẩy kỹ thuật số trong thương mại và thanh toán. Điều này bao gồm thiết lập nền tảng thương mại điện tử và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc để người tiêu dùng có thể mua sắm và thanh toán theo cách họ muốn.
Theo ông Tareq Muhmood, doanh nghiệp Đông Nam Á cũng đã nhận ra sự cần thiết của giải pháp kỹ thuật số đối với hiệu quả vận hành kinh doanh. Đại dịch đã khiến các trở ngại trong quy trình thanh toán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) càng trở nên rõ rệt - lệnh hạn chế di chuyển ngăn doanh nghiệp đến gửi séc tại chi nhánh ngân hàng, nhà cung cấp không thể gặp mặt trực tiếp để thanh toán, hoặc có những lo ngại khi xử lý tiền mặt. Để giảm thiểu rắc rối, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng các giải pháp kỹ thuật số như Visa Commercial Pay, cho phép họ phát hành thẻ ảo theo yêu cầu thông qua ứng dụng di động cho thanh toán B2B.
Với sự phổ biến của phương thức thanh toán không tiếp xúc tại Đông Nam Á, các doanh nghiệp đang tìm kiếm sự nhanh chóng và tiện lợi cũng có thể sử dụng các loại thẻ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thẻ ảo không tiếp xúc cũng trên đà phát triển, bắt nguồn từ sự quan tâm ngày càng tăng ở thị phần B2B đối với thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động.
Với doanh nghiệp ưu tiên khả năng kiểm soát và tính hiệu quả trong giao dịch, các giải pháp kỹ thuật số này sẽ giúp tái định hình quy trình thanh toán B2B, đảm bảo sự thông minh, nhanh nhạy và an toàn. Bên cạnh đó, với các dịch vụ số nâng cao của tổ chức tài chính hiện hành và giải pháp kỹ thuật số mới của công ty công nghệ tài chính non trẻ, sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái thanh toán Đông Nam Á sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi tính đổi mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.