Thực hư chuyện "cụ bà nghèo nhất xã bị "ngắt" hộ nghèo, không tiền hỗ trợ Covid-19"

Ngọc Thọ - Dụng Thượng Thứ bảy, ngày 04/07/2020 13:57 PM (GMT+7)
Phóng viên Báo điện tử Dân Việt vào cuộc xác minh thông tin "cụ bà được cho là nghèo nhất xã, có công với cách mạng bị cắt hộ nghèo, không tiền hỗ trợ Covid-19 tại tỉnh Thanh Hóa".
Bình luận 0

Mấy ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip có độ dài khoảng 7 phút nói về trường hợp của bà Lê Thị Chinh (sinh năm 1952, xóm 6, thôn 3, phường Hải An, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Trong đoạn clip, người quay có nói là bà Chinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, là "người có công với cách mạng, bỗng dưng bị cắt hộ nghèo, không được hưởng hỗ trợ dịch Covid-19".

Nghèo "rớt mồng tơi"

Để tìm hiểu sự việc một cách thật khách quan, đa chiều, nhóm phóng viên Dân Việt đã về Hải An gặp gỡ các bên, xác minh làm rõ.

Đến thôn 3, để tìm nhà bà Lê Thị Chinh không khó, vì theo nhiều người dân, bà Chinh "khổ" nhất nơi đây.

Thực hư chuyện "cụ bà nghèo nhất xã bị "ngắt" hộ nghèo, không tiền Covid" - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Chinh là hộ nghèo nhiều năm cho tới năm 2019.

Vừa chỉ nhà bà Chinh cho chúng tôi, bà Lê Minh (xóm 6, thôn 3, phường Hải An) nói: "Tôi sống ở đây đã lâu. Hoàn cảnh thực tế của bà Chinh rất khó khăn, không có con, trí nhớ bà Chinh lại không ổn định. Việc bà Chinh nằm ngoài hộ nghèo vì bất kỳ lý do gì cũng là thiếu thỏa đáng".

Đường vào nhà bà Lê Thị Chinh cỏ mọc um tùm, lối vào chỉ lọt một người đi, nhìn lối đi có thể biết rất ít người qua lại.

Thực hư chuyện "cụ bà nghèo nhất xã bị "ngắt" hộ nghèo, không tiền Covid" - Ảnh 2.

Bà Chinh trí nhớ kém, lúc nhớ lúc không.

Căn nhà nhỏ thó lợp bằng những tấm phibrô ximăng cũ kỹ. Bà Lê Thị Chinh bước từ trong nhà ra với tấm lưng đã hơi còng.

Trong cuộc chuyện trò với phóng viên Dân Việt, bà Chinh nói: "Tôi có biết mạng xã hội là gì đâu. Mấy ngày qua, tự dưng có đoàn ở trên xuống xác minh về trường hợp của tôi. Hôm đó, anh Phúc đã quay gì đó (ông Nguyễn Trọng Phúc, người quay clip - PV)".

"Những năm lại đây, trí nhớ tôi không tốt. Tôi bắt đầu nói trước quên sau. Nhà có 2 sào ruộng cũng phải để lại cho người khác làm vì tôi không đủ sức khỏe" - bà Chinh nói.

Nằm ngoài danh sách hộ nghèo có thuyết phục?

Bà Chinh kể, trước kia bà đi thanh niên xung phong sau đó về ở với bố mẹ già, họ mất đi, bà ở một mình, không con cái. Tiền duy trì cuộc sống chỉ có chế độ 540.000 đồng mà Nhà nước trợ cấp hàng tháng cho bà vì bà từng là thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Mỹ trở về địa phương không còn khả năng lao động, sống cô đơn, không nơi nương tựa.

Phóng viên Dân Việt đã gặp cả người quay đoạn clip trên trên mạng xã hội lẫn ông Nguyễn Bá Linh - Chủ tịch UBND phường Hải An (thị xã Nghi Sơn).

Thực hư chuyện "cụ bà nghèo nhất xã bị "ngắt" hộ nghèo, không tiền Covid" - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trọng Phúc xuất hiện trong chính đoạn clip.

Cụ thể, người quay đoạn clip là ông Nguyễn Trọng Phúc - em rể của bà Lê Thị Chinh. Ông Phúc khẳng định những thông tin mà ông nêu ra trong clip là "không sai".

Còn ông Nguyễn Bá Linh - Chủ tịch UBND phường Hải An lại khẳng định những gì ông Phúc nói trong clip là "không chính xác".

Cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của bà Lê Thị Chinh.

"Bà Lê Thị Chinh trước kia là hộ nghèo. Cách đây 16 năm, Nhà nước có chế độ hỗ trợ xây dựng cho bà Chinh căn nhà cấp bốn. Năm 2019, bà Lê Thị Chinh tự nguyện xin rút khỏi hộ nghèo (?). 

Bà Chinh từng đi thanh niên xung phong, có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên đang được hưởng trợ cấp là 540.000 đồng/tháng. Bà Chinh nói cho bà ra khỏi hộ nghèo thì chúng tôi cho bà Chinh ra khỏi hộ nghèo" - ông Nguyễn Bá Linh - Chủ tịch UBND phường Hải An nói.

Thực hư chuyện "cụ bà nghèo nhất xã bị "ngắt" hộ nghèo, không tiền Covid" - Ảnh 5.

Bà Chinh sống neo đơn, hàng tháng trông chờ vào 540.000 đồng tiền hỗ trợ cho đối tượng thanh niên xung phong.

Phóng viên Dân Việt tiếp tục hỏi về thông tin bà Chinh không được nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19, ông Linh khẳng định: "Theo quy định, bà Lê Thị Chinh không thuộc đối tượng được hỗ trợ dịch Covid-19 vừa qua".

Thực hư chuyện "cụ bà nghèo nhất xã bị "ngắt" hộ nghèo, không tiền Covid" - Ảnh 6.

Trong căn nhà bà Chinh gần như không có đồ vật gì đáng giá.

Vấn đề đặt ra ở đây là hoàn cảnh thực tế của bà Lê Thị Chinh nghèo thật và rất nghèo, trong căn nhà tồi tàn không có một thứ gì đáng giá trị. Ghi nhận thực tế của phóng viên Dân Việt, nội dung này đúng như trong clip mà ông Nguyễn Trọng Phúc phản ánh. Bản thân bà Lê Thị Chinh thừa nhận mình là người nói trước quên sau, có dấu hiệu "lẫn".

Vì sao với trường hợp thực tế rất khó khăn như bà Lê Thị Chinh - nếu vì một lý do gì đó mà "xin" rút khỏi danh sách hộ nghèo, tại sao những người có trách nhiệm của thôn, xã không xác minh thật kỹ trước khi quyết định đưa bà Chinh ra khỏi danh sách hộ nghèo? Và thứ nữa, trường hợp của bà Lê Thị Chinh chưa nhận được hỗ trợ Covid-19 liệu đã thỏa đáng?

1. Theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 24/4/2020) quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đối tượng hỗ trợ có người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo đó, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hằng tháng) trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4/2020.

Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong Danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31/12/2019 của địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận theo chuẩn nghèo quốc gia quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng, trong danh sách hưởng trợ cấp xã hội tháng 4/2020. Nhóm đối tượng này không cần thực hiện thủ tục đề nghị, cơ quan có thẩm quyền sẽ chủ động rà soát và chi trả.

2. Theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi 2012 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, người có công với cách mạng gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng.

3. Thanh niên xung phong, không phân biệt thời kỳ, nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì được hưởng các chế độ ưu đãi của người có công với cách mạng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem