Thực hư chuyện gia súc, gia cầm chết vì nước uống nhiễm mặn

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 02/06/2016 15:44 PM (GMT+7)
Theo ngành chức năng tỉnh Bến Tre, thông tin gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chết do uống nước nhiễm mặn là không chính xác. Thực tế, đến nay, tỉnh này vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào vật nuôi chết vì hạn, mặn.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Bé – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre vừa báo cáo với Thứ trưởng Bộ NNPTNT ông Vũ Văn Tám về thực trạng hạn, mặn ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ông Bé khẳng định, không có chuyện gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chết vì uống phải nước nhiễm mặn.

img

Người dân huyện Ba Tri (Bến Tre) pha nước ngọt với nước mặn cho bò uống.

Theo ông Bé, sau khi các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương cấp huyện thông tin có chính sách hỗ trợ thiệt hại vật nuôi chết do mặn, đã có nhiều người dân đến khai báo. Sau đó, Giám đốc Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến Nông, Chi cục Thú y tỉnh đi khảo sát và xác định, các trường hợp người dân báo trên không phải là do mặn gây ra.

“Người dân báo heo (lợn) bị chết do uống phải nước mặn nhưng khi lấy máy đo thì độ mặn của nước chung quanh khu vực nuôi vẫn còn trong ngưỡng cho phép. Để xác định được vật nuôi chết do nước mặn phải có trường hợp rõ ràng, có hình ảnh, biên bản xác minh cụ thể nhưng tỉnh vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào cả” – ông Bé thông tin với phóng viên Dân Việt.

Ông Bé cũng cho biết thêm, đến thời điểm này, tuy không có trường hợp gia súc, gia cầm chết do uống phải nước mặn nhưng trong lúc đỉnh điểm hạn, mặn, vẫn có trường hợp gia súc, gia cầm bị tiêu chảy và các bệnh ngoài da. Do đó, ngành chức năng đã hướng dẫn người dân pha nước ngọt với nước mặn cho gia súc, gia cầm uống.

Cũng theo ông Bé, phần lớn các vùng nuôi gia súc, gia cầm nhiều trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bò, người dân đã sống quen với hạn, mặn nên đã chủ động phòng ngừa, khoan giếng ngầm, đi đổi nước ngọt về dự trữ cho vật nuôi uống. Hơn nữa, chính quyền địa phương cũng đã dự báo sớm về những tác động tiêu cực của thời tiết cho người dân nắm rõ.

“Riêng về các động vật ăn cỏ như bò, người dân đã chủ động mua rơm ở các tỉnh khác về, và thực tế nhiều vùng trồng cỏ vẫn phát triển tốt trong hạn, mặn” – ông Bé khẳng định.

Được biết, tỉnh Bến Tre có trên 450.000 con heo, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Mỏ Cày Nam với hơn 250.000 con. Về con bò, tỉnh này có đến 150.000 con và huyện Ba Tri là địa phương có số lượng bò lớn nhất tỉnh với trên 80.000 con…

Theo Bộ NNPTNT, Bến Tre là 1 trong 3 địa phương ở ĐBSCL bị thiệt hại nặng nề nhất do hạn, mặn. Trong đó, ngành chăn nuôi có bị ảnh hưởng, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có thông tin vật nuôi bị chết do mặn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem