Giúp dân vượt hạn, mặn

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 18/05/2016 13:30 PM (GMT+7)
Trước những tác động tiêu cực gây ra bởi tình trạng hạn, mặn chưa từng có trong lịch sử, Hội Nông dân (ND) các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chủ động nhập cuộc, động viên, giúp người dân dần vượt qua khó khăn.
Bình luận 0

Khảo sát thực tế, hỗ trợ kịp thời

Theo Hội ND tỉnh Kiên Giang, thiệt hại do hạn, mặn gây ra trên địa bàn tỉnh này ngày càng tăng thêm và diễn biến rất phức tạp. Đến nay, đã có trên 86.000ha lúa, màu của 31.215 hộ dân sinh sống trên 12/15 huyện, thị, thành bị thiệt hại.

img

Đập tạm ngăn mặn ở huyện Châu Thành (Bến Tre) phát huy hiệu quả, giúp ND sản xuất ổn định.     Ảnh: HUỲNH XÂY

Ông Trần Chí Viễn - Chủ tịch Hội ND tỉnh Kiên Giang cho biết, những diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại tập trung chủ yếu ở các huyện vùng U Minh Thượng, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. “Để nắm tình hình thiệt hại cũng như hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của bà con, chúng tôi đã trực tiếp xuống dân khảo sát thực tế. Ngay sau đó, chúng tôi khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với xâm nhập mặn” – ông Trần Chí Viễn cho hay.

Cũng theo ông Viễn, nhờ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), từ khi xảy ra hạn, mặn đến nay, tỉnh đã đầu tư 15 dự án, cho 196 hộ bị thiệt hại do hạn, mặn vay để khôi phục sản xuất. Trong đó có nhiều dự án tôm – lúa, tôm – cá.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Hội ND tỉnh Hậu Giang đang khuyến khích người dân thử nghiệm và nhân rộng lúa chịu mặn cao. Còn tỉnh An Giang, tuy chưa bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn nhưng Hội ND tỉnh này cũng đã chủ động vận động người dân gieo sạ lúa PO2 trên vùng hạn hoặc trồng cây tiêu thụ ít nước (chủ yếu là cây mè)…

Theo thống kê của Hội ND tỉnh Bến Tre, vụ đông xuân vừa qua, tỉnh này đã có 100% diện tích bị thiệt hại hoàn toàn (trên 14.800ha), gần 500ha hoa màu và trên 8.500 cây ăn trái giảm năng suất trầm trọng. Đặc biệt là có trên 98.200 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Không đứng ngoài cuộc, ngoài việc tổ chức đoàn cán bộ đi nắm bắt tình hình đời sống người dân, Hội ND tỉnh Bến Tre đã khẩn trương chỉ đạo các cấp Hội tăng cường tuyên truyền và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ bà con. Đồng thời, Hội ND tỉnh cũng đề xuất với T.Ư Hội NDVN, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Bến Tre nhanh chóng có những giải pháp, hành động giải quyết khó khăn cho dân.

Ông Đoàn Văn Đảnh – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bến Tre cho biết, ngoài những việc làm trên, Hội ND tỉnh cũng đã chủ động, phối hợp nhiều đơn vị có liên quan, đắp được 7 đập tạm ngăn mặn. Những đập này đã phát huy hiệu quả trong ngăn mặn. Các cấp Hội trong tỉnh cũng tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyên đề về phòng chống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn mặn, biến đổi khí hậu cho hàng trăm hộ dân. Đồng thời, tranh thủ nhiều nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, đưa nước sạch, dụng cụ trữ nước đến tận gia đình ND…

Vận động nông dân chuyển đổi sản xuất

Ông Đoàn Văn Đảnh cho biết, về lâu dài, để cuộc sống người dân dần được cải thiện, Hội ND tỉnh Bến Tre đã và đang vận động bà con tuân thủ theo lịch thời vụ sản xuất lúa của ngành chức năng tỉnh, chuyển đổi trồng những cây, con có khả năng chịu hạn mặn, trong chăn nuôi, canh tác ứng dụng kỹ thuật tưới tiêu tiết kiệm nước…

Hội ND tỉnh Trà Vinh cũng có nhiều biện pháp giúp người dân sản xuất lúa được tốt hơn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. “Chúng tôi vận động hội viên, ND chuyển sang trồng lúa chịu mặn cao, đồng thời triển khai nạo vét kênh mương, thủy lợi nội đồng, giúp dân dễ dẫn nước tưới tiêu. Riêng những vùng thường xuyên bị mặn, khó sản xuất lúa sẽ hướng chuyển sang các loại cây trồng khác, hiệu quả hơn…” – ông Kim Song Giang – Chủ tịch Hội ND tỉnh Trà Vinh nói.

Trao đổi với NTNN, lãnh đạo Hội ND tỉnh Bạc Liêu cho biết, các cấp hội trên địa bàn tỉnh này đã và đang vận động người dân mở rộng mô hình trồng lúa chịu mặn trên đất nuôi tôm theo quy trình 1 vụ tôm, 1 vụ lúa. Theo ông Hồ Công Thủy - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bạc Liêu, mô hình tôm – lúa rất có triển vọng trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Thời gian qua, mô hình này đã đem về nhiều lợi nhuận cho người dân. Với mô hình này, trong quá trình sản xuất chi phí giảm đáng kể, ít ô nhiễm môi trường nước và đất.

Nâng cao nhận thức về ứng phó

Thời gian tới, các cấp, ngành T.Ư và địa phương cần bố trí nguồn lực để tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ND về ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu. Mặc dù trong thời gian qua, một bộ phận người dân đã biết, nhận thức được về hạn, mặn, nhưng công tác này vẫn cần được chủ động và đẩy mạnh hơn nữa.

Ông Phạm Minh Hùng-Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An

Cần vốn để chuyển đổi mô hình sản xuất

Mặc dù trên địa bàn huyện Ninh Phước có một số hồ chứa, nhưng do tình hình hạn hán kéo dài nên lượng nước còn lại rất ít, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp một số xã. Để ứng phó với hạn hán, các cấp Hội ND trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động ND chuyển đổi cây trồng cho phù hợp. Bước đầu, nhiều hộ vẫn duy trì được mức thu nhập khá từ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều mô hình chuyển đổi cần nhiều vốn, Hội ND huyện đề nghị tỉnh, T.Ư bố trí nguồn vốn Quỹ HTND cho bà con vay để đầu tư chuyển đổi cây trồng.

Ông Thiên Nhàn - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).

Huỳnh Xây-Xuân Nông (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem