Thực hư lâm tặc trúng cây sưa trăm tỷ

Thứ ba, ngày 24/04/2012 17:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ngày qua, ở Quảng Bình đang “sôi sục” với tin đồn một nhóm lâm tặc ở Bố Trạch trúng 3 cây sưa (còn gọi là huê) cổ thụ ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có giá hàng trăm tỷ đồng.
Bình luận 0

Ba cây sưa có giá hàng trăm tỷ đồng

Theo tin đồn, nhóm lâm tặc gồm 11 người ở thôn Bàu Sen, xã miền núi Phúc Trạch trong quá trình đạp rừng đi tìm sưa đã may mắn tìm thấy 3 cây sưa cổ thụ ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có 2 cây còn sống, cây còn lại đã chết.

img
Ngày trước, khi lượng gỗ sưa còn nhiều, nhiều lần lực lượng chức năng đã bắt được cả xe gỗ.

Sau khi phát hiện 3 cây sưa, nhóm lâm tặc đã xẻ gỗ, thậm chí đã dùng mìn nổ, đào cả gốc và giấu gỗ ở một nơi bí mật. Thông tin chỉ bị lộ khi nhóm người này gùi 9 khúc gỗ ra chào hàng với các lái buôn. Cũng theo tin đồn, hai người buôn gỗ ở huyện Bố Trạch và Đồng Hới đã mua được lô hàng nói trên với giá lên đến 100 tỷ đồng ngay tại rừng?

Về tin đồn này, một lãnh đạo ở Hạt Kiểm lâm Bố Trạch cho biết là có cơ sở. Theo vị này, các nguồn tin “cài cắm” của Hạt cho biết, khu vực mà nhóm lâm tặc phát hiện nằm ở vùng rừng Hung Trí, cách đường Hồ Chí Minh nhánh tây khoảng 12 tiếng đồng hồ leo rừng...

Đây không phải là lần đầu tiên người dân ở Phúc Trạch trúng sưa. Cách đây chưa lâu, một nhóm “lâm tặc” khác ở thôn Phúc Đồng cũng đã trúng một cây sưa nằm ở khu vực rừng đèo Đá Đẽo và bán được gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin cũng chỉ bị lộ khi các cuộc mua bán đã diễn ra hoàn tất, gỗ đã được các “đầu nậu” đưa đi biệt tăm!

Dân ào ạt vào rừng

Trao đổi với phóng viên NTNN về thông tin trên, ông Phan Văn Gòn- Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, sau cuộc họp khẩn với UBND tỉnh Quảng Bình vào chiều 22.4, sáng 23.4, UBND huyện Bố Trạch cũng đã tổ chức họp khẩn với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Bố Trạch và lãnh đạo 7 xã vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để bàn biện pháp xác minh sự việc, ổn định tình hình.

Theo tình hình mà lãnh đạo xã Phúc Trạch nắm bắt được và báo cáo thì mấy ngày qua đã có gần 200 người dân ở địa phương này cơm đùm, gạo bới vào rừng. Theo ông Gòn, với lượng người quá lớn như vậy vào rừng đã khiến tình hình trở nên vô cùng phức tạp; đặc biệt là tình hình an ninh trật tự. Chính vì vậy, huyện chỉ đạo các xã phải tìm mọi cách ngăn chặn người dân vào rừng; vận động người nhà động viên những người thân đã lỡ vào rừng rồi thì quay trở về.

Sưa là loại gỗ cực kỳ quý hiếm và có giá trị cao. Gỗ sưa hiện được bán bằng kg với giá lên tới 25 triệu đồng/kg tại gốc. Với giá cao như vậy nên hiện nay nguồn gỗ sưa cổ thụ trên lãnh thổ Việt Nam gần như đã bị tận diệt bởi nạn khai thác trái phép.

Trong khi đó, theo nhiều nguồn tin, để xoay đủ tiền “chồng” cho lô hàng nói trên, mấy ngày qua các “đầu nậu” đã kêu gọi người dân địa phương góp xâu. Nhiều người vì hám lợi đã vay ngân hàng, thậm chí là vay nóng hàng tỷ đồng để bỏ vào “canh bạc” gỗ sưa này.

“Nếu tin đồn nói trên là thất thiệt, hoặc không thể đưa được số gỗ nói trên ra khỏi rừng để bán, thì sẽ có nhiều gia đình khuynh gia bại sản vì nợ nần. Mặt khác, với lượng lớn người dân vô rừng, cùng với lượng tiền lớn mang theo như vậy chắc chắn sẽ xảy ra “đụng độ” giữa các nhóm với nhau và tình hình sẽ vô cùng nhức nhối vì các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rất khó kiểm soát ” – ông Nguyễn Văn Hiền – Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch lo lắng.

Được biết, sáng 23.4, theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (đơn vị chủ rừng) đã thành lập đoàn cán bộ vào vị trí mà nhóm lâm tặc phát hiện 3 cây huê để kiểm tra tình hình. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin thì hiện tại, toàn bộ gỗ sưa (kể cả gốc, rễ) đã được nhóm lâm tặc đưa đi cất giấu ở một nơi bí mật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem