Mai Thu Huyền bào chữa cho "Kiều", bị nói "đổ thêm dầu vào lửa"
Thực hư ồn ào từ phim "Kiều", Mai Thu Huyền lên tiếng lại bị khán giả nói "đổ thêm dầu vào lửa"
Thúy Ngọc
Thứ bảy, ngày 03/10/2020 19:35 PM (GMT+7)
Dự án phim "Kiều" đang làm dậy sóng công chúng với những tranh cãi về việc trong teaser xuất hiện chữ Quốc ngữ là chưa sát với lịch sử. Đạo diễn Mai Thu Huyền đã có những phát ngôn đầu tiên lý giải vấn đề này.
"Kiều" là dự án phim được chuyển thể từ "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du. Đây là dự án đã được đạo diễn Mai Thu Huyền ấp ủ khá lâu. Phim có sự hợp tác của nhà sản xuất Trần Bửu Lộc, biên kịch kiêm đạo diễn hình ảnh Trần Phi Sơn và huấn luyện diễn xuất Kathy Uyên.
Vào tối 25/9, những thước phim đầu tiên của dự án "Kiều" đã được đạo diễn Mai Thu Huyền công bố tới công chúng. Với sự đầu tư "khủng" cùng màu sắc mới lạ, đoạn teaser này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng. Nhất là khi teaser được tung ngay sát ngày giỗ 200 năm của Đại thi hào Nguyễn Du.
Tưởng chừng được đón nhận cuồng nhiệt từ khán giả, nhưng teaser "Kiều" đã gây ra những tranh cãi quyết liệt. Cụ thể, nhiều khán giả đã nhanh chóng phát hiện trong teaser có xuất hiện của tấm biển mang chữ Quốc ngữ "Lạc Uyển Lâu". Ở thời đại của nàng Kiều, chữ Quốc ngữ chưa hề xuất hiện. Cho nên chi tiết này là không phù hợp, thậm chí nó còn làm nhiều thế hệ có cái nhìn sai lệch về lịch sử. Đây là "hạt sạn" không thể chấp nhận được.
Trước những lùm xùm trên, cả êkip tỏ ra rất buồn, bởi mọi người đều dồn hết công sức cho dự án lần này với hy vọng được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Về phía đạo diễn Mai Thu Huyền, cô cũng lên tiếng trên báo chí: "Đoàn làm phim đã tìm hiểu kỹ về lịch sử ra đời của chữ Quốc ngữ trước khi quay phim. Chữ Quốc ngữ xuất hiện từ khoảng 400 năm trước, còn cụ Nguyễn Du chỉ sống cách chúng ta 200 năm. Chúng tôi không muốn dùng chữ Nôm vì chữ Nôm khá giống chữ Hán, không phải ai cũng phân biệt được. Hơn nữa, chúng tôi muốn làm một bộ phim thuần Việt".
Được biết, "chữ Annam viết bằng mẫu tự Latin" - tiền thân của chữ Quốc ngữ được một số giáo sĩ Bồ Đào Nha sáng tạo vào đầu thế kỷ 17, trong quá trình truyền giáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, suốt 2 thế kỷ, do chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn, loại chữ này bị xem là chữ của người ngoại quốc và chỉ xuất hiện ở các nhà thờ, xứ đạo Thiên Chúa. Mãi đến năm 1862, khi Pháp chiếm ba tỉnh miền đông Nam kỳ, chữ Quốc ngữ mới được chấp nhận rộng rãi.
Theo dòng lịch sử, truyện Kiều được Nguyễn Du viết vào khoảng thời gian khi đi sứ Trung Quốc (1814 - 1820). Chính vì thế, phát ngôn của Mai Thu Huyền như càng "đổ thêm dầu vào lửa". Nhiều khán giả không những không ủng hộ, mà còn có hành động tẩy chay quyết liệt, cho rằng việc chữ Quốc ngữ xuất hiện ở bối cảnh một quán rượu trong phim "Kiều" là không hợp lý, không đúng với lịch sử.
Không chỉ bị "super soi" về việc sử dụng chữ Quốc ngữ chưa phù hợp, khán giả còn lên án chi tiết nàng Kiều kẻ chân mày bằng cọ kẻ hiện đại, sai lệch với hình ảnh Kiều lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, trang phục bị cho là có màu sắc quá lòe loẹt, hở hang, gây phản cảm.
Không để yên với những bình luận tiêu cực từ công chúng, một lần nữa Mai Thu Huyền lại có động thái đáp trả, bảo vệ về ý tưởng phục trang: "Phim lấy bối cảnh lầu xanh nên việc trang phục của nhân vật cũng phải khiêu gợi. Áo yếm là trang phục phổ biến của người Việt nên ê-kíp đã quyết định mang áo yếm của phụ nữ Việt vào phim cho nhân vật".
Tưởng chừng lên tiếng giải thích cho khán giả rõ hơn, mọi chuyện êm xuôi nhưng càng giải thích, dư luận như càng "sôi máu". Trên mạng xã hội, không ít người thẳng thắn đáp trả lại phát ngôn "bào chữa" tác phẩm của nữ đạo diễn đầy gay gắt như: 'Làm một bộ phim "thuần Việt" bằng cách mặc những trang phục lòe loẹt, cách tân đến chẳng ai nhận ra. Làm một bộ phim "thuần Việt" mà đạo diễn đến cả "chữ Hán" và "chữ Nôm" cũng không biết phân biệt. Làm một bộ phim "thuần Việt" bằng cách sử dụng chữ Latin với một font thư pháp tầm thường rồi lại đi cãi cùn: "200 năm trước đã dùng chữ Latinh rồi" nên tôi dùng vậy để không giống chữ Hán? Đây chắc chắn không phải là "thuần Việt" mà chính là "bóp chết văn hóa Việt", phủ nhận chữ viết của cha ông sử dụng suốt cả nghìn năm. Câu trả lời của đạo diễn Mai Thu Huyền thực sự khiến chúng ta quá thất vọng và gây phẫn nộ rất lớn trong cộng đồng cổ phong".
Nhiều ý kiến khác của khán giả bình luận: "Chắc Mai Thu Huyền còn không biết Truyện Kiều là được viết lại từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc nên mới mở miệng nói "thuần Việt"?"; "Chữ Nôm và chữ Hán tuy cùng nguồn gốc nhưng rõ ràng nó khác nhau và chữ Nôm là chữ của người Việt, đạo diễn trả lời nó giống chữ Hán là thiếu kiến thức!"; "Thuần Việt kiểu gì khi mà Truyện Kiều vốn nguồn gốc từ Trung Quốc, các nhân vật trong truyện kể cả Kiều đều người nhà Minh? Đạo diễn không phân biệt được chữ Hán, chữ Nôm là gì mà phán như đúng rồi!" hay "Chữ Nôm là dùng bộ chữ Hán phồn thể và cách ký âm phồn thể để tạo ra những chữ khác không có trong bộ chữ Hán phồn thể, âm là tiếng Việt nhưng cách viết là bộ chữ Hán. Quốc ngữ là âm tiếng Việt, còn cách viết là bộ chữ Latinh (cùng với mấy cái thanh sắc đặc sản). Nên nói chữ Nôm giống như Hán, cũng giống như đang mắng chữ Quốc ngữ sao giống chữ Latinh thế"...
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến khác cho rằng với một bộ phim dành cho người Việt thời nay xem thì việc sử dụng chữ Quốc ngữ trong những tình huống không làm thay đổi bản chất câu chuyện, giúp khán giả dễ tiếp nhận hơn cũng không có gì là quá đáng.
Hiện tại, bộ phim "Kiều" đã bấm máy xong và đang bước vào giai đoạn hoàn tất những khâu hậu kỳ cuối cùng. Phim dự kiến sẽ khởi chiếu trên toàn quốc vào ngày 8/3/2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.