Tối 23.8, nghệ sĩ dương cầm người Pháp Richard Clayderman có đêm diễn duy nhất tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Trái với sự háo hức ban đầu khi biết tin nghệ sĩ tới Việt Nam, rất nhiều khán giả ra về với cảm giác hụt hẫng.
Chị Thu Hương, một khán giả từng được đào tạo bài bản về Piano, tỏ ra thất vọng: “Không hiểu phần âm thanh được điều chỉnh thế nào mà tôi không nghe thấy tiếng Piano mộc. Tôi về nhà tìm hiểu lại thì thấy bảy đến tám năm gần đây Richard Clayderman hay đánh trên nền nhạc kiểu này chứ không chơi cùng ban nhạc”.
Nghệ sĩ Bùi Công Duy - người chỉ đạo nghệ thuật cho dàn nhạc dây trong đêm diễn này - xác nhận, Richard Clayderman không "nhép nhạc" mà là chơi trên nhạc nền. "Richard chơi đè lên nền nhạc bật sẵn với âm thanh lớn hơn", anh nói. Một số chuyên gia của ngành sản xuất âm nhạc cho biết, hình thức một nghệ sĩ trình diễn trên nền nhạc playback được thu đĩa sẵn không hề xa lạ trên thế giới.
|
Nhiều khán giả tới nghe đêm nhạc của Richard Clayderman cho biết họ có cảm giác tiếng đàn dương cầm của nghệ sĩ Pháp chìm nghỉm giữa âm thanh điện tử trong chiếc đĩa được thu sẵn. Ảnh: Giang Huy.
|
Nghệ sĩ Bùi Công Duy cho biết, một nghệ sĩ có thể đi tour theo nhiều dạng hợp đồng khác nhau. Chi phí để đưa cả dàn nhạc khoảng 40 người theo cùng là rất lớn và đôi khi, các đối tác hay nhà sản xuất âm nhạc thường cắt giảm. Bùi Công Duy nhận định, Clayderman và ban tổ chức tại Việt Nam có thể đã chọn một phương án tiết kiệm hơn.
Ban tổ chức đêm nhạc chia sẻ, hành trình để đưa Richard Clayderman sang Việt Nam tốn gần hai năm trời. So với các quốc gia khác - nơi Richard từng biểu diễn, giá vé tại Việt Nam có phần thấp hơn hẳn. Đó là một trong những yếu tố khiến đơn vị tổ chức gặp khó khăn. Trong đêm nhạc tại Hà Nội, có loại vé ở mức giá 30 USD. Ban tổ chức đã phải ra sức thuyết phục để nghệ sĩ Pháp chấp nhận mức này. "Richard hay bất cứ thành viên nào trong đoàn của nghệ sĩ đều lắc đầu khi nghe giá này. Richard từng có những buổi biểu diễn mà giá vé lên tới 200 - 400 USD”, một thành viên trong ban tổ chức tại Việt Nam nói.
Ông Trần Tuấn Việt, đại diện cho đơn vị tổ chức kiêm nhà tài trợ chính, không tiết lộ cụ thể cát-xê cho Clayderman cũng như loại hợp đồng với nghệ sĩ Pháp. Theo ông, không có công thức duy nhất để định ra tỷ lệ cát-xê trên tổng chi phí, vì còn phụ thuộc vào quy mô phái đoàn cũng như những điều kiện cụ thể quy định trong hợp đồng.
“Một số ca sĩ trên thế giới khi biểu diễn ở nước ngoài thường đem theo đoàn tùy tùng lên tới 30 người, thậm chí còn yêu cầu phải có chuyên cơ riêng để tiện đi lại. Với Richard, đoàn của ông chỉ có 5 người bao gồm quản lý (Olivier Toussaint), người tổ chức, một chuyên gia âm thanh và một chuyên gia ánh sáng. Nhưng họ yêu cầu rất khắt khe. Trước đêm diễn khoảng một tháng, bên phía của Richard gửi danh sách những bản nhạc biểu diễn trong chương trình để dàn nhạc chuẩn bị, tập luyện sẵn. Đồng thời, ông cũng gửi thêm sơ đồ thiết kế sân khấu, các quy chuẩn âm thanh, ánh sáng, phông nền. Việc chuẩn bị này được người đại diện của Richard kiểm tra kỹ càng”, ông Việt nói.
DJ Trí Minh, người phụ trách âm thanh của đêm nhạc, cho hay để ký kết được hợp đồng với Richard Clayderman, nhà tổ chức đã phải vượt qua quá trình tuyển chọn rất khắt khe về kỹ thuật cũng như hệ thống âm thanh, ánh sáng và hình ảnh. Để đạt được hiệu quả cao nhất của chương trình, Richard Clayderman đã nhờ đến sự thẩm định của một chuyên gia hàng đầu về chỉnh âm thanh của Nhật Bản - người đã đồng hành với ông hơn 10 năm nay.
Tuy nhiên, tình trạng âm thanh của đêm diễn khá tệ, có những lúc tiếng piano dường như chìm nghỉm trong dàn hòa tấu. Ông Tuấn Việt thừa nhận, chất lượng âm thanh cũng chưa hẳn làm ông hài lòng. Ban tổ chức đã sớm nhận biết sự chênh lệch này và góp ý với Richard, nhưng “nghệ sĩ chỉ muốn giữ tiếng đàn ở mức vừa phải và cho rằng đó là âm lượng chung mà ông vẫn sử dụng với mọi buổi biển diễn ở khắp nơi trên thế giới”.
|
Ban tổ chức khẳng định chính Richard Clayderman đã yêu cầu điều chỉnh âm lượng piano ở mức vừa phải. Ảnh: Giang Huy.
|
Một thành viên trong dàn nhạc dây trên sân khấu hôm đó nhận xét về chất lượng âm thanh: “Chúng tôi có ba buổi tập trước đêm diễn. Trước đó, tất cả cũng phải nhận bài và nghe CD, tập trước ở nhà. Bản thân các thành viên trong dàn nhạc dây ngồi trên sân khấu nghe tiếng piano của Richard cũng không rõ lắm nên có thể chơi chưa được tự nhiên. Thực ra chơi nhạc kiểu cổ điển và bán cổ điển ở một nơi như Trung tâm Hội nghị Quốc gia là không phù hợp vì không gian quá rộng và acoustic kém. Richard Clayderman cũng đã lớn tuổi nên dường như ông chơi không còn được sung như thời còn trẻ”.
Trước những nghi vấn cho rằng dàn nhạc dây của Việt Nam chỉ “làm nền cho đỡ trống sân khấu” và toàn bộ âm thanh khán giả nghe được đều đã thu sẵn trong đĩa, thành viên này lên tiếng phủ nhận: “Ban đầu chúng tôi cũng nghĩ là Richard chơi ‘nhép’ theo đĩa nhưng tay ông rất khớp với những chỗ co giãn nhạc. Chơi nhép khó mà khớp được như vậy. Có một đoạn cao trào, Richard đánh mạnh đến đứt dây đàn, lúc đó đội dàn dây nghe được rất rõ”.
Đây không phải là lần đầu tiên một buổi biểu diễn của Richard Clayderman nhận những phản hồi gây tranh cãi. Trong 40 năm hoạt động, ông đã nhiều lần diễn chung với các ban nhạc sống trên sân khấu trực tiếp nhưng những năm trở lại đây, khi đi lưu diễn, Richard hầu như không đem theo ban nhạc đệm cho phần hòa tấu. Ngoài Việt Nam, tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác được Richard đến biểu diễn gần đây như Canada, New Zealand hay Đài Loan, một số khán giả cũng bày tỏ niềm thất vọng trên các diễn đàn nhạc về chất lượng âm thanh.
Một khán giả có nickname NZ Nana tại New Zealand chia sẻ rằng cô cảm thấy “phí tiền” vì mua vé đến xem buổi diễn của Richard tại quốc gia này. Lý do chính là tiếng piano của nghệ sĩ gần như bị lấn át bởi các âm thanh từ nhạc cụ hòa tấu khác.
(Theo VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.