Chuyện Mị Châu có một người em gái là Phượng Minh, gần như không được ghi chép trong chính sử. Thậm chí, ngay cả ngọc phả về An Dương Vương cũng gần như không có dòng ghi chép nào nhắc về gia đình riêng của vị vua này mà chỉ đề cập duy nhất đến một người - đó là công chúa Mị Châu.
Tuy nhiên, tư liệu về các nguồn ngọc phả địa phương thì có nhắc tới vợ con của An Dương Vương. Trong đó, ngọc phả đình làng Công Bồi và "Thái Bình tỉnh thần tích" ghi mẹ của công chúa Mị Châu quê ở làng Thao Bồi, nay thuộc xã Phương Công (Tiền Hải, Thái Bình).
Trong một lần vua đi tuần thú xa giá tới vùng bãi biển mới bồi vùng Trực Định, sai cắm thẻ làm mốc, treo bảng chiêu dụ dân các xứ đến lập ấp, và đặt tên cho vùng đất này là Thao Bồi Lý.
Sau này, An Dương Vương về lại làng Thao Bồi, gặp Thục Nương Trần Thị Chân thì lấy làm yêu mến bèn cho đón vào cung phong làm Đệ nhị Nguyên phi. Bà chính là mẹ của công chúa Mỵ Châu.
Tương truyền, sau khi vua An Dương Vương thua trận rồi mất ở bờ biển phía Nam, bà đã về quê tập hợp dân binh chống giặc. Khi bà qua đời, dân chúng đã lập miếu thờ, tôn bà làm "Thần nữ". Trong miếu có đôi câu đối ca ngợi: Yểu điệu cung phi tinh quốc sắc/ Anh linh thần nữ trấn thiên hương (Yểu điệu cung phi trang quốc sắc/ Thần nữ linh thiêng tiếng muôn năm).
Cũng theo thần tích thì ở trang Phù Viên, huyện Lý Nhân, trấn Sơn Nam (nay là xã Phù Viên, Kim Bảng, Hà Nam) vào thời An Dương Vương có hai vợ chồng ông Trần Thức, bà Nguyễn Thị Phả sinh hạ một bé gái xinh đẹp đặt tên là Ngoạn Nương.
Một dịp đầu xuân, vua An Dương Vương đi vãn cảnh thì tình cờ gặp hai cô cháu Ngoạn Nương. Thấy Ngoạn Nương nhan sắc tuyệt trần thì bèn cho vời đến hỏi chuyện và vào cung phong làm Đệ bát cung phi. Thần tích này cũng cho biết bà và An Dương Vương không có con chung.
Cách Phù Viên không xa, ở thôn Phù Thụy (xã Thanh Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) cũng có một người phụ nữ trở thành Thứ phi của An Dương Vương - đó là bà Trần Thị Quang.
Ngoài ra, theo thần tích "Lưỡng vị hoàng hậu ngọc phả lục" cho biết An Dương Vương có một Nguyên phi nữa tên là Phương Dung. Đền Thọ Vực ở Xuân Trường (Nam Định) cũng thờ một người vợ của An Dương Vương tên là Trần Thái Chưởng phu nhân.
Như vậy, khái lược qua tư liệu thần tích có thể thấy vua An Dương Vương có 5 người vợ. Vậy, thực sự vua có bao nhiêu người con? Người con gái nổi tiếng nhất dĩ nhiên là Mị Châu. Người con gái thứ hai theo dã sử "Tình sử Mị Châu" tên là Quỳnh Anh công chúa – là chị của Mị Châu.
Nguồn dã sử này đề cập đến một vị tướng quân chống Tần tên là Võ Quốc làm chức Tổng binh. Trong lần kén chồng cho Quỳnh Anh, Võ Quốc đã giành chiến thắng và trở thành anh em cột chèo của Trọng Thủy.
Sách "Tây Hồ chí" cũng ghi sự tích của Tổng binh Võ Quốc, theo đó ông là người ở bến Lâm Ấp, trang Long Đỗ (nay thuộc Ba Đình, Hà Nội). Từ khi trở thành con rể của An Dương Vương, ông đã dốc sức giúp vua trong xây dựng kinh đô Cổ Loa, bố trí việc phòng thủ đất nước.
Khi Trọng Thủy ở rể, lấy cắp nỏ thần đem về cho Triệu Đà để tấn công Âu Lạc. Khi An Dương Vương thua trận, Tổng binh Võ Quốc cùng công chúa Quỳnh Anh dẫn quân về cứu thành Cổ Loa nhưng không kịp.
Võ Quốc tử trận, công chúa Quỳnh Anh được các tùy tướng phá vây chạy về làng Cháy ở đất Đông Ngàn (nay là làng Phù Chẩn, Tiên Sơn, Bắc Ninh). Bị giặc truy sát, vây hãm, công chúa Quỳnh Anh bị bắt nhưng nàng đã dùng cây kim thoa bằng đồng tự sát để giữ lòng trung trinh.
Người con gái thứ 3 của An Dương Dương là công chúa Phượng Minh được gả cho em trai Cao Lỗ là Cao Tứ. Một số nguồn thần tích lại ghi sau khi thành Cổ Loa được xây dựng xong thì Cao Tứ lâm bệnh nặng qua đời. Công chúa Phượng Minh vì thương chồng ngày đêm khóc lóc, không chịu ăn uống, chẳng bao lâu sau cũng mất.
Nguồn thư tịch lưu tại đền Hương Nghĩa lại khẳng định khi kinh đô Cổ Loa thất thủ, An Dương Vương và công chúa Mị Châu chạy về phương Nam. Tướng Cao Tứ ở lại đánh giặc và hi sinh bên dòng sông Tô Lịch. Còn công chúa Phượng Minh cũng trẫm mình xuống sông để giữ trọn khí tiết, thủy chung với chồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.