Hai nước luôn hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế. Hơn nữa, trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế song phương đã có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch thương mại hàng năm đạt 2 tỷ USD.
Đặc biệt, năm 2021 là năm trọng đại “kỷ niệm kép” trong quan hệ Việt Nam và Thụy Sĩ: 50 năm quan hệ ngoại giao và 30 năm hợp tác phát triển. Vì vậy, chuyến thăm chính thức Thuỵ Sĩ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao theo lời mời của Tổng thống Liên bang Thuỵ Sĩ Guy Parmelin từ ngày 25-29/11 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong quan hệ thương mại hai nước.
Đối tác hàng đầu
Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu châu Âu đối với Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong giai đoạn 2016-2020 duy trì ở mức gần 1 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Thụy Sĩ gồm hàng thuỷ sản, giày dép các loại, máy vi tính – sản phẩm điện tử, linh kiện và hàng dệt may.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Thuỵ Sĩ các mặt hàng như sữa, sản phẩm từ sữa, chế phẩm thực phẩm, hóa chất và sản phẩm hóa chất, thuốc trừ sâu nguyên liệu, vải các loại, đá quý và kim loại quý, máy vi tính, linh kiện...
Tính đến hết tháng 10 năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đạt 706 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó xuất khẩu đạt 185 triệu USD, giảm 22% và nhập khẩu đạt 522 triệu USD, tăng 6,5%. Đáng lưu ý, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thụy Sĩ trong số các nước ASEAN.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 10 năm 2021, Thụy Sĩ đứng thứ 20 trên tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam với 181 dự án tại 12 địa phương, tổng vốn đầu tư là 1,92 tỷ USD của 140 doanh nghiệp.
Còn nhiều dư địa
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), tính đến hết tháng 6/2021, Thụy Sĩ tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Benin nhưng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Hà Lan.
Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu hạt điều của Thụy Sĩ từ Việt Nam trong 6 tháng năm 2021 đạt 777 tấn, trị giá 6,52 triệu USD, tăng 40,4% về lượng và tăng 35,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Thụy Sĩ tăng từ 38,58% trong 6 tháng năm 2020 lên 53,16% trong 6 tháng năm 2021. Như vậy, hạt điều Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn tại thị trường Thụy Sĩ.
Hiện tại, có hơn 100 công ty Thụy Sĩ đang hoạt động tại Việt Nam. Cùng với đó, đầu tư trực tiếp của Thụy Sỹ vào Việt Nam bao gồm các tên tuổi đẳng cấp thế giới như Nestle, ABB, Novartis, Roche, Holcim... đã và đang kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp Thụy Sĩ rất quan tâm đến Việt Nam và đánh giá cao chính sách cởi mở, hội nhập quốc tế, vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đang mong sớm được đến thăm, khảo sát môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Đây là cơ hội hết sức đặc biệt để hai nước cùng nỗ lực tìm giải pháp thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EFTA (Khối thương mại tự do châu Âu bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein), mở ra những cơ hội hợp tác mới, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn trong quan hệ giữa hai nước đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đánh giá về mối quan hệ thương mại Việt Nam - Thuỵ Sĩ trong 50 năm qua, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển hơn nữa và tạo sự thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, Việt Nam luôn nỗ lực để hợp tác kinh tế với các quốc gia khác; trong đó có Thuỵ Sĩ. Sự kiện ký kết và đi vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chính là minh chứng cho nỗ lực này.
Đại sứ Thuỵ Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber nhấn mạnh rằng, việc xây dựng mối quan hệ đối tác tốt và khả quan là điều rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch. Đặc biệt, Thuỵ Sĩ sẽ tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.
Theo Đại sứ Ivo Sieber, Thuỵ Sĩ đã ban hành chiến lược này và đi vào thực hiện trong năm 2021. Chiến lược nhằm 2 mục tiêu chính: hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường với các khung kinh tế hiệu quả; khu vực tư nhân có thể tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự kiến, trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế, Thuỵ Sĩ sẽ dành cho Việt Nam 75 triệu USD theo diện viện trợ không hoàn lại trong vòng 4 năm tới. Khoản hỗ trợ này chủ yếu liên quan đến thương mại, khả năng đàm phán tham gia các hiệp định thương mại, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương và Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) cũng vừa tổ chức Lễ ký kết văn bản trao đổi về việc cam kết và tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại giữa Bộ Công Thương và SECO tại Dự án “Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ".
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2024 với tổng mức vốn là 5.627.000 CHF, tương đương 148 tỷ đồng; trong đó, cơ cấu nguồn vốn gồm: Nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 5.000.000 CHF, tương đương 131,5 tỷ đồng (do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ thông qua SECO); nguồn vốn đối ứng do Bộ Công Thương và các đối tượng thụ hưởng đóng góp là 627.000 CHF (tương đương 16,5 tỷ đồng).
Theo Bộ Công Thương, Dự án “Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ” được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những thách thức nêu trên thông qua hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, dự án còn góp phần định hình Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu 10 năm tới của Việt Nam, nhất là xây dựng và hoàn thiện khung khổ về thể chế, chính sách để tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu. Ngoài ra, dự án cũng sẽ đặc biệt xem xét các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy số hóa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.