Xuân Tuấn
Thứ bảy, ngày 02/01/2021 08:36 AM (GMT+7)
Cây đào gắn bó với bà con người Mông ở Mộc Châu (Sơn La) như một người bạn thủy chung. Gia đình nào cũng trồng đào, có hộ trồng cả nghìn cây. Khi những vạt đào rừng cuối cùng bị đốn hạ, đào trồng của bà con người Mông lại có giá.
Xã Lóng Luông – thủ phủ của xứ hoa đào thuộc huyện Vân Hồ. Quốc lộ 6 chạy qua đây như chia đôi các dãy núi trập trùng kéo dài tới biên giới Việt – Lào. Ở độ cao trên một nghìn mét so với mặt nước biển, các bản bà con người Mông nơi đây quanh năm mát mẻ và cũng là vùng đất lý tưởng cho cây đào phát triển.
Nói như ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, hoa mơ, hoa mận và hoa đào là đặc sản của xã. Bất cứ một ai lên vùng đất này cũng phải xuýt xoa về vẻ đẹp của các loài hoa rừng nơi đây. Giờ đây, vườn đào đang là cái máy "in" tiền giúp bà con kiếm sống. Khi Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm những ai cắt đào rừng, bà con trong xã vui như mở hội. Bởi lẽ, ai cắt đào rừng sẽ bị xử lý nghiêm và những vườn đào mà bà con trồng cách đây mấy chục năm trở nên có giá hơn. Diện tích trồng đào trên toàn xã khoảng gần 400ha.
Đi qua các bản Lóng Luông, Pa Khan, Tà Dê, Lũng Xã… đâu đâu cũng thấy xuất hiện những vườn đào khẳng khiu, trơ trong giá rét. Ông Tếnh A Sồng - một hộ dân trong xã trồng được mấy trăm cây đào. Vườn đào mốc xù xì, nhiều hoa, ít cành… của anh Sồng luôn được khách hàng tìm đến. Nhiều lái buôn còn đặt hàng trước Tết cả vài tháng.
Nói về cái duyên trồng đào, anh Sồng chia sẻ: "Trước đây mình cũng đi cắt đào rừng mang bán nhưng chỉ được vài năm diện tích đào rừng bị thu hẹp nhanh chóng. Mình nghĩ, nếu cứ làm cách đó, chẳng mấy chốc, bà con người Mông sẽ không còn hoa đào ngắm khi mùa xuân về. Mình đã lấy giống đào về trồng, rồi nhân rộng ra, vừa có hoa để ngắm, có quả để ăn, nếu cần cắt tỉa bán cành cũng có tiền".
Không riêng gì anh Sồng, ở xã Lóng Luông còn rất nhiều hộ dân khác cũng trồng đào. Cả nghìn hộ dân nơi đây, không ai bảo ai đã biết biến những diện tích đất khô cằn thành vườn đào tươi tốt. Bà con người Mông đã hiểu cái giá phải trả khi tàn sát rừng không thương tiếc. Bất cứ một gia đình người Mông nào ở Lóng Luông cũng có vườn đào. Tán đào lấp ló bên bờ rào đá là "đặc sản" của vùng sơn cước này.
Ông Tếnh A Chìa chia sẻ thêm: "Bà con cũng hiểu được một điều hiển nhiên là mình không thể bóc lột rừng mãi được. Việc trồng cây, gây rừng, trong đó có cây đào sẽ mang lại cuộc sống ấm no và bền vững".
Chìm nổi phận đào
"Cách đây mấy hôm, nhiều hộ dân lo lắng trước quy định của Chính phủ về việc nghiêm cấm khai thác, chặt phá đào rừng bán trong dịp Tết Nguyên Đán. Đây cũng là băn khoăn của nhiều cán bộ huyện Vân Hồ, họ cho rằng, nếu như không phân biệt rõ "đào khai thác trong rừng" và "đào trồng trên đồi, trên nương", người trồng đào sẽ gặp khó khăn. Bà con cũng có thắc mắc về điều này, chúng tôi đã giải thích tới nhân dân là đào mình trồng thì vẫn được khai thác bình thường. Chỉ những ai khai thác cây đào ở trong rừng sẽ bị xử lý nghiêm", ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông chia sẻ.
Những năm vừa qua, cây đào rừng đã bị khai thác kiệt quệ, tuy nhiên không phải người dân nào cũng sẵn sàng vác dao vào rừng để đốn hạ cây. Bà con người Mông cũng đã ý thức được việc giữ gìn vẻ đẹp của những vườn đào đẹp như trong truyện cổ tích nơi đây.
Anh Tráng A Chu – chàng trai người Mông ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ đã cương quyết phản đối việc chặt phá đào rừng mang bán. Vườn đào quanh nhà anh được giữ gìn cẩn thận và treo biển: "Không mua bán đào". Nếu có lái buôn đào vào bản là bị từ chối thẳng thừng.
Vài năm trước vườn nhà anh Chu cũng thường xuyên bị chặt trộm đào khi đêm về hoặc những ngày mưa mù... Nhiều người không mua được đào liền đi cưa trộm. Cùng với gia đình anh Chu, nhiều người đã nhân giống đào và trồng đào nhờ đó có thu nhập rất cao. Gia đình ông Tráng A Cao đã trồng được cả nghìn gốc đào. Ông Chu chia sẻ, xưa người Mông ở Vân Hồ nổi tiếng do có những vườn đào bung nở rực rỡ khi mùa xuân về. Những vườn đào này có tuổi thọ cả trăm năm. Họ thường không chặt cây đi bán, mà họ giữ cây để bán quả.
Hiện ở cao nguyên Mộc Châu có rất nhiều giống đào khác nhau được trồng ở khắp các xã như: Đào bích, đào mèo, đào Pháp, đào Mỹ, đào phai…. Đào rừng được nhiều người yêu thích vì vẻ cổ kính và hoang dã.
Năm 1990, ông Mai Đức Thịnh, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 được mời đi cùng Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La sang Pháp. Khi đến vùng Midi có khí hậu ôn đới như Mộc Châu, 2 vùng đã ký biên bản hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó mà cây đào Pháp đã du nhập về Mộc Châu. Đào này thường ra hoa rất sớm, khoảng tháng 10 đã có hoa trái mùa và tháng 12 có quả.
Dịp giáp Tết, bà con trồng đào có cưa cành đi bán, ai cũng nghĩ là đào rừng, nhưng thực ra đó là đào trồng. Đào rừng giờ kiếm mỏi mắt chẳng thể tìm nổi ra một cây.
Anh Chu cho biết: "Những cành đào, gốc đào mà bà con dân bản chở đi bán không phải là đào rừng mà là đào được người dân trồng, chăm sóc. Hơn nữa, đặc thù thời tiết ở đây là không khí lạnh, độ ẩm cao cộng với những cây được trồng lâu năm, bề ngoài có rêu mốc bám kín trên thân cây nên nhiều người tưởng đó là đào rừng".
Năm hết, Tết đến, bà con người Mông nơi đây cũng rục rịch chuẩn bị bán đào. Họ hy vọng, mỗi dịp cuối năm sẽ có thêm một khoản thu nhập từ việc bán vườn đào của gia đình. Việc này là hoàn toàn chính đáng.
Cao nguyên Mộc Châu giờ đây trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Mỗi khi mùa hoa đào nở, du khách ở khắp nơi lại đổ dồn về đây. Trước việc các vườn đào bị khai thác kiệt quệ, cảnh quan chung cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La nên có quy hoạch, bảo tồn khu vực trồng đào làm cảnh và khu khai thác cành đào để bán. Cũng như việc có sự hỗ trợ, động viên các hộ dân ở các xã Lóng Luông, Vân Hồ không cho chặt tỉa đào để giữ được cảnh đẹp nguyên sơ nơi đây. Muốn làm được điều đó cần phải có quy định cũng như hương ước của bản, giống như bản Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu) đã bảo tồn được giống địa lan nổi tiếng. Cả bản đã chung lòng cùng xây dựng cảnh đẹp của bản để làm du lịch. Đây cũng là cách phát triển bền vững mà bà con trồng đào ở Mộc Châu nên học hỏi và làm theo.
Ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông cho biết thêm: "Theo hướng dẫn của huyện, các xã có diện tích trồng đào làm kinh tế sẽ viết kiến nghị lên huyện để từ đó huyện báo cáo lên tỉnh, lên Trung ương. Nếu không phân biệt rõ đào rừng là đào mọc tự nhiên trong rừng, khác cây đào do người dân trồng trên nương rẫy thì hàng trăm ha đào sẽ không được bán vào vụ Tết này. Chúng tôi kiến nghị địa phương xác nhận nguồn gốc cây trồng, chỉ dẫn địa lý, các hộ dân kê khai nhà trồng bao nhiêu gốc, trồng tại đâu, thời gian trồng… để được khai thác đào giống như các cây lâu năm làm kinh tế".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.