Thưởng tết chỉ giảm, khó tăng?

Minh Nguyệt Thứ sáu, ngày 18/12/2015 06:20 AM (GMT+7)
Hơn 1,5 tháng nữa là tới Tết Bính Thân, nhiều doanh nghiệp đã rục rịch phương án thưởng tết. Tuy nhiên theo dự báo, thưởng tết năm 2016 cũng không khá hơn tết năm trước.
Bình luận 0

“Có quà sẽ bớt tiền”

Bà Nguyễn Mai Anh – Trưởng phòng Tiền lương, Công ty Dệt may 19.5 Hà Nội cho biết, phải 1 tuần nữa công ty mới họp, công bố thưởng tết. Mặc dù năm nay công ty làm ăn có khá hơn, nhưng dự báo thưởng tết năm 2016 cũng chỉ như năm 2015. “Dự kiến, mức thưởng bình quân khoảng một tháng lương,  từ 4-5 triệu đồng/người, tùy thuộc vào năng suất lao động, thâm niên công tác của từng cá nhân. Nếu thêm quà thì bớt tiền, có tiền thì thôi quà” – bà Mai Anh nói.

img

Cá biệt một số lao động trong doanh nghiệp liên doanh chè chỉ được thưởng tết bằng hiện vật (Sản Xuất chè tại Thanh Ba, Phú Thọ). Ảnh: Minh Nguyệt

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần May Hưng Yên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên nhận định, tình hình lương, thưởng tết của doanh nghiệp dệt may năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Cụ thể, mức thưởng của công ty dự kiến bằng 80% năm ngoái. Ông Dương phân tích, năm nay do hoạt động sản xuất đầu vào gia tăng nên mặt hàng dệt may kém cạnh tranh, vì vậy mà chúng ta bị đối tác ép giá xuống. Đấy là chưa kể những khó khăn do gặp rào cản về vấn đề tăng lương, tăng đóng BHXH cho người lao động trong thời gian tới.

"Ngành nông nghiệp hiện có hơn 20 tổng công ty, với 16 doanh nghiệp trực thuộc, 25 công ty vừa và nhỏ. Nhìn chung một số DN thủy hải sản của tư nhân còn làm ăn có hiệu quả, có xu hướng phục hồi. Còn lại, các doanh nghiệp cổ phần hoặc sản xuất kinh doanh trong ngành lúa gạo, ngành chè, ngành cà phê gặp rất nhiều khó khăn” .
Ông Vũ Xuân Thủy - Chủ tịch Công đoàn ngành NNPTNT

Được biết, Tết năm 2015 mức thưởng của Tổng Công ty May Hưng Yên cho lao động trung bình đạt 15 - 20 triệu đồng/người. Cao nhất với chức danh quản lý rơi vào khoảng 38-40 triệu đồng/người. Hiện nay Tổng Công ty May Hưng Yên có gần 14.000 công nhân, lao động, chủ yếu là lao động ở địa phương, chỉ có khoảng 500- 600 lao động là ở địa phương khác chuyển đến. Với số lượng công nhân như vậy, hàng năm công ty này phải dành từ 250-280 tỷ đồng để lo thưởng tết. 

Vẫn thưởng tết bằng chè, bánh kẹo

Nếu như một số ngành may mặc, điện tử hoạt động cầm chừng thì một số ngành sản xuất nông nghiệp còn khó khăn gấp bội. Công ty Chế biến xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (Đồng Tháp) có gần 1.800 công nhân, nhưng con số này luôn dao động bởi tỷ lệ lao động ra vào thất thường.

Ông Bùi Tất Phương – Tổng Giám đốc Cadovimex cho hay, tình hình sản xuất kinh doanh gặp quá nhiều khó khăn. Năng suất, sản lượng không tăng, doanh nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ những thị trường quốc tế. Cộng thêm vào đó, có quá nhiều rào cản từ các chính sách tiền lương, BHXH… kèm theo, khiến các doanh nghiệp lao đao.

Khi được hỏi về chế độ, lương thưởng tết cho công nhân, ông Phương chỉ dè dặt, cười trừ. “Khó khăn thì khó khăn, nhưng cả năm mới có một lần nên dù ít doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng lo tết cho người lao động. Ngành thủy sản là ngành đặc thù cần nhiều lao động, nếu không chăm lo tốt sẽ mất lao động” – ông Phương nói.

Ông Vũ Xuân Thủy – Chủ tịch Công đoàn ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho hay: Năm nay là một năm cực kỳ khó khăn với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm -  ngư nghiệp. “Riêng khối hành chính sự nghiệp không tính, nhưng khối sản xuất thì có quá nhiều khó khăn” – ông Thủy nhận định.

Lý giải cho việc này, ông Thủy chỉ rõ. Hiện nay có 16 công đoàn đơn vị thuộc 20 công đoàn tổng công ty trong ngành nông nghiệp đang và đã thực hiện cổ phần. Vốn nhà nước không có, hoạt động sản xuất kinh doanh lại kém. Các đơn vị trong giai đoạn cổ phần đang sắp xếp lại cơ cấu sản xuất nên vẫn còn khó khăn, chính vì vậy tình hình lương thưởng tết chỉ có giảm chứ không có tăng.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội, lương thưởng tết là điều tế nhị, vì vậy các doanh nghiệp thường rất ngại công bố. Không cẩn trọng, lao động lại so sánh về mức thưởng giữa các công ty với nhau, dẫn tới những ganh tị, thậm chí là đình công, làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất. Chính vì vậy, phải sát nút  các doanh nghiệp mới công bố thưởng tết”.

“Theo dự báo, mức thưởng tết của doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp bình quân một tháng lương, vào khoảng 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp chỉ thưởng 2-3 triệu đồng, có doanh nghiệp 1-2 triệu đồng. Thậm chí, có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì không có gì. Cá biệt, một vài doanh nghiệp làm ăn được thì mức thưởng khoảng 10 triệu đồng” – ông Thủy nói. 

Với một số đơn vị liên doanh như: Chè Phú Bền (Công ty TNHH một thành viên Chè Phú Bền), hoặc chè Phu Đa (Công ty Liên doanh Chè Phú Đa) có vốn của nước ngoài thì không có tết. Thường lao động chỉ được thưởng tết bằng sản phẩm, hiện vật là chè, kèm ít bánh kẹo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem