Thượng tướng Phan Văn Giang: Vũ khí hiện đại càng thay đổi nhanh

Lương Kết Thứ ba, ngày 16/10/2018 12:04 PM (GMT+7)
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vũ khí, trang bị của Quân đội thay đổi rất nhiều để phát triển theo nhu cầu.
Bình luận 0

img

Thượng tướng Phan Văn Giang (ảnh IT).

Sáng nay (16.10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo về ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Nói về một số khoản ngân sách đầu tư liên quan đến Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết: Năm 2017 nhà nước đầu tư 4.000 tỷ đồng để làm tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn 10 tỉnh của 3 quân khu.

Theo tướng Phan Văn Giang, ở các tỉnh Tây Nguyên do không bị ảnh hưởng của mùa nước nổi lên tiến độ thi công đường tuần tra biên giới nhanh, còn những tỉnh ở Tây Nam Bộ do mùa nước nổi đến sớm nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công. “Khi mùa khô đến chúng tôi sẽ điều chỉnh phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ này sao cho hiệu quả nhất”, tướng Giang nói.

Vẫn theo tướng Giang, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vũ khí, trang bị của quân đội thay đổi rất nhiều để phát triển theo nhu cầu nhưng phải đảm bảo theo nguồn ngân sách Trung ương. “Vũ khí trang bị không phải mua về cứ dùng mãi mà có niên hạn, có thời kỳ, có giai đoạn phải điều chỉnh thay đổi. Bây giờ vũ khí trang bị càng hiện đại thì càng thay đổi nhanh”, tướng Giang cho hay.

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc phải chuẩn bị sớm, chuẩn bị ngay từ thời bình, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ, Quân đội đang xây dựng các công trình phòng thủ, để thực hiện việc này cần tới ngân sách.

Vẫn theo tướng Giang, nguồn ngân sách thường xuyên đảm bảo cho Bộ Quốc phòng hàng năm, phía Quân đội đều có trích lại để dành cho xây dựng cơ bản trong đó có xây dựng các công trình phục vụ chiến đấu. Việc quản lý các công trình này theo đầu tư công trong khi lại sử dụng nguồn từ ngân sách Quốc phòng thường xuyên. Theo quy định đến 31.12 hàng năm không giải ngân hết nguồn kinh phí. Tướng Phan Văn Giang đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận quản lý các dự án công trình trên theo Luật đầu tư công và được chuyển ngân sách từ năm này sang năm sau để đảm bảo có kinh phí thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc phòng Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm ưu tiên cho Bộ Quốc phòng nhưng cần làm đúng luật.

Về vấn đề phân bổ ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng ông đồng tình với nguyên tắc Chính phủ đưa ra nhưng cần rà soát lại và có danh mục cụ thể, nhưng dự án nào đã đầu tư không nên kéo dài quá.

Ông nêu cụ thể như tuyến đường Trường Sơn Đông (đi qua 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên) Bộ Quốc phòng đang thực hiện. Dự án này được giao thực hiện từ năm 2005, với hơn 657 km nhưng đến nay đã kéo 13 năm vẫn chưa hoàn thành. “Trong khi đây là tuyến đường huyết mạch, đặc biệt quan trọng về vấn đề quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội”, ông Đỗ Bá Tỵ nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết thêm, vừa qua Quốc hội thành lập Đoàn giám sát (có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành) đi giám sát dự án này. Đoàn giám sát đánh giá việc thi công của Bộ Quốc phòng tốt nhưng thời gian kéo dài, ngân sách dàn trải.

“Theo chương trình đến năm 2015 xong nhưng nay vẫn chưa xong, hiệu quả như vậy rất thấp. Tuyến đường này không nối thông thì không có tác dụng về kinh tế. Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để tập trung vốn ưu tiên cao nhất cho dự án này để toàn bộ tuyến đường này đến năm 2020 hoàn thành toàn tuyến. Hiện  còn thiếu hơn 2.400 tỷ đồng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết.

Theo báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016 - 2020) Về tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm (6.864 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, số thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm liên tiếp không đạt dự toán (2017 và 2018) đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách Trung ương theo kế hoạch và tạo áp lực lên mục tiêu giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Về chi ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,39% kế hoạch 5 năm (8.025 nghìn tỷ đồng); tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt mục tiêu 25-26%, tỷ trọng chi thường xuyên năm sau giảm hơn so với năm trước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem