Chiều 27-12, căn nhà của thuyền viên Trần Đình Khánh ở xóm nhỏ làng Phú Long, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chật kín người đến chia vui, ngày về của thuyền viên tràn đầy nước mắt, nhưng đây là những giọt nước mắt vui sướng.
Thoát chết nhờ khúc gỗ
Chiều 27-12, thuyền viên Trần Đình Khánh vừa thoát chết trong vụ tàu Insung 1 (Hàn Quốc) chìm ở Nam Cực đã trở về quê trong sự chờ đợi của người thân và dân làng xóm nhỏ Phú Long, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Nhận được tin vui, cả người dân xóm Phú Long bỏ hết công việc đồng áng đến chia vui.
|
Bà Bùi Thị Trường - một người hàng xóm ôm thuyền viên Khánh khóc vì mừng. |
Sau 10 ngày được cứu lênh đênh trên biển phải chống chọi với những cơn lạnh buốt thấu xương ở vùng biển Nam Cực, thuyền viên Trần Đình Khánh đã kể lại với PV NTNN câu chuyện thoát chết thần kỳ trên vùng biển lạnh giá:
Hôm đó vào khoảng mùng 3-11, bốn mươi hai thuyền viên trong đó có 11 thuyền viên người Việt Nam lên tàu Insung 1 rời cảng Uruguay đi vùng biển Nam Cực, sau 20 ngày phá băng, tàu Insung 1 đã dừng lại đánh cá.
Tuy nhiên đánh được hơn 20 ngày thì tàu di chuyển về vùng biển New Zealand do băng quá dày. Lúc đó vào khoảng 6 giờ sáng ngày 13-12, các thuyền viên trên tàu được bếp trưởng (người Hàn Quốc) thức dậy chuẩn bị ăn sáng để làm việc. Bất ngờ tiếng thét từ vị thuyền trưởng vọng đến từ các boong tàu, khiến tất cả mọi người ngơ ngác. Một lát sau, người phiên dịch cho biết tất cả thuyền viên lên boong tàu vì tàu đang nghiêng.
Nhận được lệnh, tất cả thuyền viên hốt hoảng chạy lên nhưng chiếc tàu bị nghiêng quá mạnh không tài nào chế lại nổi. Sau 10 phút nỗ lực cứu tàu của 42 thuyền viên, chiếc tàu dần dần chìm xuống biển, lúc này mọi người nháo nhác. Biết không thể cứu vãn, thuyền trưởng gọi tất cả các thuyền viên lấy áo phao. Chỉ trong vòng 15 phút, chiếc tàu chìm nghỉm xuống biển.
Trên tàu có 4 chiếc phao lớn (mỗi chiếc phao chở được 20 người với đầy đủ lương khô ăn trong một tuần) nhưng do tàu bị nghiêng và chìm quá nhanh, thuyền viên Trần Đình Khánh chỉ kịp vơ một chiếc áo phao nhỏ bơi giữa biển lạnh âm 2oC. Sóng lớn đã đánh tan chiếc phao nhưng rất may một khúc gỗ từ đâu trôi dạt đến, anh Khánh chỉ kịp bấu víu vào khúc gỗ.
Cách đó khoảng 3m, có 2 thuyền viên cũng đang vật lộn trên một khúc gỗ. Mặc dù lạnh đến thấu xương, chân tay co cứng, cảm giác như sắp bị đóng băng, nhưng anh Khánh dồn hết sức lực bơi và kết hai khúc gỗ lại với nhau, 3 người gồm Trần Đình Khánh, Nguyễn Mậu Hiền ở xã Kỳ Văn và một người Indonesia cùng hỗ trợ nhau. 10 phút sau, tàu HongZin 7007 (cùng công ty) chạy từ sau tới cứu 20 người thoát chết, trong đó có anh Khánh.
“Em không cho anh đi đâu nữa”
Từ mờ sáng 27-12, người thân nhận được điện thoại từ thuyền viên Trần Đình Khánh đã về đến Việt Nam, căn nhà 3 gian của mẹ con chị Dương Thị Lan chật ních người thân đến chia vui. Bà Phan Thị Đoái - hàng xóm gia đình vợ chồng Khánh-Lan vui mừng cho biết:
"Hơn mười ngày qua, đêm nào tui cũng nghe tiếng khóc của người vợ trẻ cùng với 3 đứa con thơ đến não ruột gan. Hôm nay nhận được tin chú Khánh thoát chết trở về, ai cũng vui mừng trông sáng sớm thật nhanh để sang chia vui".
Bà Trương Thị Đới (64 tuổi) - mẹ thuyền viên Trần Đình Khánh bị ung thư đại tràng, từ ngày nhận được tin dữ, bà Đới nằm bẹp giường không gượng dậy nổi, nhưng sau khi biết tin con còn sống, bà Đới không có gì vui bằng khiến căn bệnh ung thư quái ác cũng như tan biến.
Bà Đới nói: "Tui bây giờ không còn nước mắt nữa, hơn 10 ngày trước cả nhà khóc con cạn nước mắt vì thương tiếc con, nhưng bây giờ con thoát chết trở về, cả nhà cũng khóc nhưng đây là những giọt nước mắt vui mừng chú à".
Thấy người lạ đến nhà, chị Dương Thị Lan - vợ của thuyền viên Khánh cứ loay hoay chạy ra chạy vào xuýt xoa: "Bây giờ thì em mới tin anh Khánh không chết nữa, từ nay trở đi em không cho anh đi đâu nữa. Bây giờ anh về với mẹ con em là vui mừng rồi đói no có nhau, cảnh vò võ ôm con ngóng đợi tin chồng trong vô vọng thì không chịu nổi".
Các lao động về nước theo diện tự nguyện
Ngày 28-12, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước cho biết, ngay khi các lao động gặp nạn trên tàu In Sung 1 về quê (ngày 28, 29-12), Quỹ sẽ cử cán bộ vào Hà Tĩnh để trao tiền hỗ trợ cho lao động tử nạn với mức hỗ trợ theo quy định là 10 triệu đồng. Trả lời câu hỏi của NTNN về số lao động còn lại, đại diện Quỹ cho rằng khả năng số lao động này không được hỗ trợ vé máy bay về nước vì lao động về theo diện tự nguyện. Số lao động này sẽ được hỗ trợ từ phía 5 doanh nghiệp XKLĐ đưa đi (thông qua thanh lý hợp đồng) và tiền bảo hiểm.
Hữu Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.