Em có nhớ những đêm mùa đông tha phương ở Đà Lạt không em. Những đêm chúng ta ngồi bên cái lò sưởi với củi khô ban chiều đi nhặt trên đồi rừng bên nhà về bỏ vào. Hơi ấm lan tỏa khắp gian phòng, và khói bay đâu đó trên mái biệt thự cổ - qua những ống khói, nhìn từ xa như những "ngón tay" nho nhỏ…
Trời ngoài kia giá lạnh, chúng ta thì không. Lạnh làm tụ lại những cảnh đời và những nỗi lòng. Lạnh, cày xới cái cảm giác lưu vong cùng nỗi niềm bộn bề ăn, học, và cả những mơ mộng nữa. Cái ấm của mùi củi phảng phất chút khói dư thừa bởi không hút hết lên trời theo đường thông khói làm gian phòng có thấp thoáng chút khét của củi mà lúc này đáng để xem nó như một thứ... "nước hoa". Người Pháp đã rời đi từ hồi nào xa lắc rồi, nhưng cái lò sưởi vẫn còn ở lại đây, cùng với căn biệt thự. Những sinh viên và cựu sinh viên tha hương tụi mình bỗng được sưởi hơi ấm từ cái lò sưởi phù hoa mắc kẹt lạc loài này - coi như tụi mình may mắn, trời thương chợt đãi kẻ khù khờ. Dân ta mấy người từng được sống trong biệt thự Pháp, lại ở biệt thự cổ nữa, được đốt lò sưởi, rồi thưởng thức cái hơi ấm "lạ" ấy vào những năm 1990 ở cái khúc quanh lịch sử mà người người ăn mặc còn chưa đủ, nói chi du lịch, thụ hưởng, hay nghĩ chuyện "ở nhà Tây".
Tín hiệu của “điểm nhấn thị giác” trên mái biệt thự cổ. Ảnh: N.H.T
Ống khói lò sưởi- nó "trốn" đâu hết rồi. Nó "trốn" cùng thông, cùng biệt thự cổ. Vì toàn công trình mới, công trình mới như những binh đoàn địa ốc, được nhét vào dữ dội hoặc thay thế luôn chỗ của những villa hôm nào.
Thường dân tình chỉ nhìn thấy cái ống khói nhô lên trên mái là hết rồi, không nghĩ tiếp, mỗi khi đi đâu đó gặp một biệt thự Pháp để lại. Nhìn cái "nhô" lên kia thôi đã biết đấy là ngôi biệt thự Pháp bất kỳ. Nhiều nơi bà con còn không từng thấy cái biệt thự Pháp.
Đó cũng là lần đầu tiên anh tập uống rượu, và tụi em cũng thế. Màu đỏ Bordeaux cùng cái vị chát chát, chua chua, ngòn ngọt, cay nồng của rượu vang làm bản nhạc Pháp nào cũng bảng lảng, thướt tha. Mùa đang là mà đã hóa rêu phong. Biệt thự đã cổ, lại mùa đông, cái mùa khô hoang hoải chợt thấu xương vì cảm giác từ đâu xa xăm buốt kéo về cao nguyên, trùm xuống, khiến đáng ghét. Nhưng hơi nóng từ lò sưởi phả ra làm mùa đông như "rút lui" khỏi căn biệt thự hoang này, chỉ còn đầy ắp hơi ấm thơm mùi cây N'ho (thông/ngo - tiếng người Lạch bản địa của cao nguyên Langbian). Chúng ta thấy mình sang trọng. Chúng ta thấy mình mong manh. Đà Lạt lạnh quanh năm, vì nằm trên cao độ đến 1.500m so với mặt biển, nhưng lúc lạnh nhất là những lúc mùa khô, mùa đông thế này.
Cái hay của Đà Lạt là xứ này dễ làm người ta mỏng manh ra. Anh đố ai đến Đà Lạt vào mùa đông, nhưng đi một mình, lại đi một mình mà vẫn thấy mình oai phong, lẫm liệt, "vĩ đại", không có cảm giác về sự côi cút, cô lẻ, lạc loài nào cả đấy !
Vì côi cút cô liêu mà cái lò sưởi và ống khói kia có "đất sống", còn hữu dụng, cứ sừng sững.
***
Một nữ họa sĩ trẻ từ xa đến hàng ngày ngồi vẽ một biệt thự cổ Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Thành phố này nó thế đó. Nhìn xuống đất thấy đầy đồi dốc cùng cỏ hoa, nhìn ngang thì thấy phần thân biệt thự và thân cây thông. Còn nhìn lên, trên "trời" kia, sau ngọn thông thì là ống khói. Ngước lên là chạm vào ống khói. Trước khi người Pháp xuất hiện ở Đông Dương, nhà người Việt, Lạch, hay Thái, Tày, Dao, Nùng... cũng không sắc dân nào thiết kế ống khói. Bởi nó là sản phẩm của nhà ở xứ ôn đới và cũng là sáng tạo kiến trúc của người Pháp.
Đó là giai đoạn Đà Lạt còn nguyên si quỹ kiến trúc Pháp thời Đông Dương để lại. Giới kiến trúc sư Việt Nam ngày nay thường thán phục là không hiểu sao người ta tạo dựng cả một thành phố, lại có thể đòi hỏi ở sự sáng tạo của người vẽ là không biệt thự nào được giống biệt thự nào, nhưng tất cả đều trở thành tuyệt phẩm, độc đáo, mặt nào của nó cũng có thể là mặt chính, và nhất là hài hòa với thiên nhiên Đà Lạt. Đến Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) từng cho rằng có cả một "Bảo tàng kiến trúc Pháp" cuối thế kỷ XIX đang nằm ở Đà Lạt. Chẳng thế mà Đà Lạt mới được gọi là "Tiểu Paris". Một phẩm chất "Tây" toàn tòng. Pháp quy hoạch, sáng tạo, kiến tạo, xây dựng, và hoàn thành nguyên cả một thành phố mà.
Bất cứ khu vực nào của phố núi cũng có thể nhìn thấy biệt thự cổ đang "sống" ở đó. Nó hiện diện khắp nơi, "nhân vật" chính của hình thái đô thị, của quỹ kiến trúc ở một xứ sở mà. Đến độ, mọi công sở của chính quyền từ cấp phường đến tỉnh mới đều nằm trong những biệt thự. Có sở ngành được bố trí cả cụm với nhiều chục biệt thự như thế để thỏa mái làm việc, sinh hoạt. Đa phần cán bộ công viên chức cũng đều được bố trí cư trú trong những ngôi biệt thự ấy theo dạng gia đình hoặc làm chung cư cho nhiều hộ. Sử dụng gì cũng không hết biệt thự, nên nhiều biệt thự cứ để trống thế, bỏ hoang. Bởi thế, mới có lượt mình, nương nhờ, hàm ơn, và cảm nhận.
***
Mỗi người một cõi, một nỗi, vào mùa đông Đà Lạt, cho dù đang ngồi nơi lò sưởi cùng nhau. Dù đẹp đến mấy, nhưng lạnh quá thì thường ai nấy đêm xuống cũng lo về nhà, vào nhà cho khỏi lạnh. Người Đà Lạt quanh năm ai cũng phải mặc thêm ngoài là áo len, hoặc áo gió, và mang giày, thì đến tiết trời này cái áo ngoài kia càng phải dày hơn. Lạnh lắm, êm ả mà bao trùm, với nhiều năm xuống 8 độ, có khi chỉ ở 4 độ, trong cái phông nhiệt độ bình quân năm 18,5 độ. Đó là những ngày mà cái giá lạnh muốn nhấn chìm mọi thứ. Chao ôi, cái lò sưởi nó mới đáng giá làm sao.
Cái lò sưởi ở Đà Lạt nó không chứa "biểu tượng thông điệp quan trọng" như cái lò sưởi trong tòa Bạch ốc ở xứ xa xôi kia mà các vị Tổng thống Mỹ dành để tiếp quốc khách đặc biệt để nghiễm nhiên những tấm ảnh mà các ký giả chụp ấy trở nên đặc biệt, bởi lò sưởi Đà Lạt chỉ giản dị rằng nó cần tạo ra hơi ấm cụ thể cho người nào đang bị lạnh. Đó là mùi vị văn hóa ở một thành phố gần chạm tới "bán ôn đới" trên một xứ nhiệt đới. Là tính đặc biệt của Đà Lạt. Là sự hấp dẫn của Đà Lạt. Như cái ống khói lò sưởi kia, nó quá nợ nần với Đà Lạt. Kiến trúc Pháp đã lãng mạn, xa hoa, tinh tế, lại thêm cái ống khói lấp ló nhỏ nhắn nhô lên thì trở thành một thứ "điểm nhấn thị giác". Nó như cái ngón tay biểu thị số "1" trên bàn tay ấy chăng ? Không, không phải thế, mà sự thật nó như "nói" với tầng ngọn thông luôn bao trùm màu xanh: "Nơi đây là một mái nhà", để phân biệt rừng xanh với nơi "có người".
Lúc đó Đà Lạt vẫn thực sự còn là thành phố nằm trong rừng (thông), và mọi căn biệt thự đều nằm dưới bóng thông ngàn mà. Rừng thông và ống khói lò sưởi tự dưng kết vào nhau như hình với bóng. Đã có lò sưởi thì ống khói phải vươn lên trời. Nên nóc biệt thự nào từ đó cũng đặc sắc. Cái ống khói chen trong tàng thông, ngút trong mây, trong nắng, trong sương.
Bỗng một ngày anh ngước lên những hàng phố, cung đường, khu dân cư, anh nhìn tìm mãi không ra "tín hiệu thị giác" thân thương ấy. Ống khói lò sưởi - nó "trốn" đâu hết rồi. Nó "trốn" cùng thông, cùng biệt thự cổ. Vì toàn công trình mới, công trình mới như những binh đoàn địa ốc, được nhét vào dữ dội hoặc thay thế luôn chỗ của những villa hôm nào. Khắp nơi nhà cao tầng mọc lên. Khắp nơi đập bỏ biệt thự cổ...
Anh bắt đầu học thích nghi với một Đà Lạt "lạ" này. Tụi em rời khỏi Đà Lạt vậy mà hay, vì đỡ phải đau. Mùa khô lại về này anh bắt đầu tập nghĩ về cái ống khói lò sưởi kia rằng mình từng xem nó đâu đó trong một bức tranh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.