Tiềm năng lớn từ tài nguyên nước dồi dào ở Tây Nguyên

Thư Anh Thứ bảy, ngày 13/01/2024 08:43 AM (GMT+7)
Tiềm năng nguồn nước ở Tây Nguyên rất dồi dào, phong phú, do đó cần có các giải pháp lưu giữ phù hợp, khai thác sử dụng hợp lý, lâu dài nguồn nước, đồng thời bảo vệ nguồn nước khỏi bị cạn kiệt và ô nhiễm.
Bình luận 0

Ngày 12/1, Hội Địa chất thủy văn Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo khoa học "Nước với cuộc sống và con người Tây Nguyên" tại TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Theo đánh giá chung của các nhà khoa học, tài nguyên nước ở Tây Nguyên khá phong phú. Tổng lượng nước mưa trong năm đạt trên 84,8 tỷ mét khối, tổng lượng dòng chảy nước mặt hơn 49 tỷ mét khối/năm, lượng nước dưới đất tích chứa trong các tầng chứa nước hơn 170 tỷ mét khối và dòng ngầm chảy ra sông là 6,6 tỷ mét khối.

Tiềm năng lớn từ tài nguyên nước dồi dào ở Tây Nguyên- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên – Môi Trường trình bày tham luận Dấu chân của nước với đời sống và con người Tây Nguyên.

Tuy nhiên, trước những thách thức to lớn về sự phân bổ rất không đồng đều về tài nguyên nước theo cả thời gian và không gian; đặc thù cấu trúc địa chất thủy văn, địa hình địa mạo của Tây Nguyên cùng với sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, sự phát triển kinh tế xã hội và áp lực gia tăng dân số; công tác quy hoạch phân bổ, quản lý khai thác sử dụng tài nguyên nước chưa theo kịp nhu cầu phát triển; nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn nước chưa được cao.

Chính điều này dẫn tới tình trạng thiếu nước ở nhiều khu vực trong mùa khô, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa của các dân tộc đồng bào Tây Nguyên.

Tại hội thảo, các đơn vị, nhà khoa học đã trình bày tổng quan về 2 nội dung: Nước với đời sống văn hóa Tây Nguyên, gồm lịch sử hình thành các nguồn nước; tiềm năng và định hướng khai thác sử dụng bền vững; dấu chân của nước: ăn uống - sinh hoạt, phát triển nông – lâm nghiệp, công nghiệp, văn hóa – thể thao – du lịch; nước với văn hóa Tây Nguyên. Tiềm năng nước khoáng, nước nóng phát triển kinh tế và du lịch Tây Nguyên, gồm: lịch sử hình thành các nguồn nước khoáng; tiềm năng nước khoáng, nước nóng Tây Nguyên, định hướng khai thác sử dụng phát triển kinh tế và du lịch; tiềm năng nước khoáng, nước nóng Đắk Mil.

Các đại biểu, nhà khoa học cũng đã trao đổi, thảo luận các giải pháp định hướng quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước như: Bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc; thu gom nước mưa, nước mặt; vận hành hiệu quả các hồ chứa lớn; xây dựng chính sách chia sẻ nguồn nước; rà soát quy hoạch thủy lợi; tăng cường áp dụng nghiên cứu khoa học công nghệ... để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cũng như văn hóa của người dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Ông Vũ Mạnh Hải, Phó Trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung đánh giá, Tây Nguyên có tiềm năng tài nguyên nước phong phú, điều kiện địa chất thuận lợi, do đó cần sự cân đối, hợp lý trong khai thác, sử dụng. Bức tranh tổng thể về tài nguyên nước ở Tây Nguyên dưới tác động hoạt động kinh tế của con người cần phải được làm sáng tỏ nhằm đề ra các giải pháp khai thác sử dụng hợp lý, lâu dài nguồn nước, đồng thời bảo vệ nguồn nước khỏi bị cạn kiệt và ô nhiễm. Những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay cho phép chúng ta đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm khai thác hợp lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên một cách tích cực.

Tiềm năng lớn từ tài nguyên nước dồi dào ở Tây Nguyên- Ảnh 2.

Các đại biểu, nhà khoa học trao đổi, thảo luận các giải pháp định hướng quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước ở Tây Nguyên.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên – Môi Trường, để phát huy lợi thế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, anh ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên cần sớm có quy hoạch – kế hoạch sử dụng nguồn nước và có các chủ trương chính sách trong khai thức sử dụng có hiệu quả nguồn nước.

Cụ thể, quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, hệ thống thông tin dữ liệu, điều hành theo thời gian thực để xây dựng các kịch bản nhằm chủ động thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu và khả năng nguồn nước ở trên lưu vực sông, đặc biệt khi Tây Nguyên là đầu nguồn của 4 con sông lớn là sông Sêrêpôk, sông Sê San, sông Ba và sông Đồng Nai.

Tiềm năng lớn từ tài nguyên nước dồi dào ở Tây Nguyên- Ảnh 3.

Tiềm năng nguồn nước ở Tây Nguyên rất dồi dào, phong phú.

Áp dụng, triển khai các giải pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích sản xuất ở những vùng thiếu nước, thường xảy ra hạn hán sang các loại cây có nhu cầu nước thấp, chịu hạn cao. Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng và giá trị gia tăng cao, phù hợp với khả năng nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, tại hội thảo các đại biểu đã chỉ ra những tiềm năng, cơ hội sử dụng lợi thế của các hồ nước khoáng, nước nóng để phát triển kinh tế - du lịch gắn với bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Nguyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem