Nếu không điều trị, dự phòng kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại 28/9 được thành lập nhằm nâng cao nhận thức và vận động người dân đoàn kết loại trừ bệnh dại trên toàn cầu.
Nguy cơ bệnh dại còn cao
Tiêm vaccine ngừa bệnh dại cho người dân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Cần Thơ. Ảnh: B.C.T
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Bệnh dại đã được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có 59.000 người tử vong vì bệnh dại ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỗi năm có khoảng 29 triệu người bị phơi nhiễm với bệnh dại và phải điều trị dự phòng, gây tổn thất kinh tế ước tính 8,6 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, bệnh dại nguy hiểm nhưng có thể phòng, chống bằng cách tiêm vaccine phòng dại cho động vật và người mới bị chó, mèo cắn. Với những nỗ lực đáng kể của Bộ NNPTNT, Bộ Y tế, chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam hiện đã và đang thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo thực thi các giải pháp phòng, chống bệnh dại. Từ năm 2017 đến tháng 8/2021, số ca bệnh dại trên người hàng năm giảm trung bình 12 ca so với giai đoạn 2011-2016. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hơn 500.000 người bị chó, mèo cắn. Tỷ lệ đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại tăng từ 38,5% lên 49,2%...
Tính đến 8/7/2022, toàn tỉnh Lào Cai đã tiêm được 60.200 liều vaccine cho đàn chó mèo, đạt 73% kế hoạch năm. Ảnh: P.H
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, giai đoạn 2017-2021, mỗi năm cả nước có 76 người chết vì bệnh dại và 510.000 người phải đi tiêm phòng dại do chó, mèo cắn, cào… Thống kê chưa đầy đủ, trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 25 ca tử vong do bệnh dại tại 11 tỉnh.
Tuy nhiên, với tổng số đàn chó nuôi lớn (khoảng 7,5 triệu con), nguy cơ bệnh dại có thể xảy ra trong thời gian tới là rất cao. Có 3 giải pháp chính để loại trừ bệnh dại trên người, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo và tỷ lệ tiêm liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70%. Tiếp đến là tiêm vaccine phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh dại và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cho biết, bệnh dại vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam, ngoại trừ tử vong do bệnh sởi năm 2014 và tử vong do Covid-19 thời gian qua. Giai đoạn 2017-2021, dù Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống bệnh dại nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại. Số ca tử vong do bệnh dại hàng năm có giảm nhưng chưa bền vững, số địa phương có bệnh dại chưa giảm so với giai đoạn 2011-2016. Nguyên nhân là do việc quản lý đàn chó và tỷ lệ tiêm vaccine phòng chống dại cho đàn chó tại nhiều địa phương còn thấp. Việc tiếp cận vaccine điều trị dự phòng tại khu vực biên giới, vùng sâu, xa còn khó khăn, đồng thời nhận thức của một bộ phận người dân về bệnh dại còn hạn chế...
Cần tiêm vaccine kịp thời
Bệnh dại không lây từ người này sang người khác mà thường lây lan qua vết cắn từ động vật bị nhiễm bệnh. Nó cũng có thể lây lan nếu nước bọt của động vật mắc dại tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, miệng hoặc vết thương hở của người (như vết xước hoặc vết trầy xước). Đa phần các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Việt Nam là do chó cắn.
Nếu không may bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cần phải rửa vết thương ngay với xà phòng và xả dưới với nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Sau đó tiếp tục rửa kỹ vết thương với cồn 70% hoặc cồn iod. Điều này giúp giảm và tiêu diệt bớt lượng virus dại bị lây nhiễm qua vết cắn. Bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ. Những trường hợp chủ quan không tiêm ngừa cũng như theo dõi động vật sau khi cắn có nguy cơ cao sẽ phát dại.
Khi bị động vật nghi dại cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và tiêm vaccine ngừa dại. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam hay các biện pháp được đồn đại trong dân gian như: Bôi dầu gió, dầu hỏa, dầu xanh, đắp ớt hiểm, đất sét, tỏi, củ kiệu, lấy nọc bằng dao liếc...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.