Cả nước xảy ra 22 ổ dịch cúm gia cầm, không lơ là giám sát dịch bệnh

Tuấn Linh Thứ năm, ngày 15/09/2022 05:26 AM (GMT+7)
Theo Cục Thú y, về dịch Cúm gia cầm (CGC), cả nước xảy ra 22 ổ dịch CGC (trong đó có 20 ổ dịch CGC A/H5N1) tại 20 huyện của 13 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 58.480 con. Hiện nay, CGC vẫn là mối lo của nhiều nông dân, ngành nông nghiệp và cả cộng đồng.
Bình luận 0

Phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm ở nhiều tỉnh

Hôm 7/9, phát biểu tại hội nghị tổng kết dự án "Giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2022" do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tài trợ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế và các nước, trong đó có Chính phủ Mỹ, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan, triển khai có hiệu quả của các cơ quan T.Ư và địa phương, Việt Nam đã khống chế thành công dịch cúm gia cầm. Hàng năm chỉ xảy ra một số ổ dịch nhỏ lẻ, ở các hộ chăn nuôi chưa tiêm vaccine cho đàn gia cầm; tạo điều kiện cho chăn nuôi gia cầm phát triển, tổng đàn hơn 520 triệu con vào năm 2022.

Không lơ là giám sát dịch cúm gia cầm - Ảnh 1.

Ngành chức năng Quảng Ngãi tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm bị bệnh. Ảnh: T.L

"Không có nguy cơ nào lớn hơn nguy cơ đại dịch CGC và các bệnh lây truyền từ động vật sang người".

Ông Bryan Kim - Phó Giám đốc quốc gia CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam

Thực tế, thời gian gần đây vẫn xuất hiện nhiều ổ dịch CGC ở các địa phương. Những ngày cuối tháng 8/2022, ổ dịch CGC A/H5N1 xảy ra tại đàn gà 3.300 con của hộ dân ở thôn Châu Me, xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi). Trong thời gian nuôi, đàn gà bỗng nhiên có các triệu chứng: Sốt, bỏ ăn, xù lông, xuất huyết ở chân, chết nhiều... 

Qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, Chi cục Thú y Vùng IV kết luận đàn gà bị bệnh cúm A/H5N1, do mới tiêm phòng nên chưa đủ thời gian tạo miễn dịch. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch như: Tiêu hủy toàn bộ số gà chết và đang mắc bệnh, khoanh vùng tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bao vây...

Tại Quảng Trị, từ đầu tháng 6/2022 dịch bệnh CGC A/H5N1 đã phát sinh trở lại tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y, vụ xuân năm 2022, đàn gia cầm nuôi tại huyện Vĩnh Linh chỉ mới tiêm phòng được khoảng 20.000 con, trong đó, tại xã Vĩnh Sơn chưa tổ chức tiêm phòng vaccine CGC theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, qua giám sát lưu hành virus CGC trên đàn gia cầm tại các chợ của huyện Gio Linh, Hải Lăng, TP.Đông Hà và thị xã Quảng Trị trong tháng 5, 6 đã phát hiện có sự lưu hành của virus cúm A trên một số đàn gia cầm bán tại chợ. 

Đặc biệt, có 3 mẫu lấy tại chợ Đông Hà (2 mẫu) và chợ thị xã Quảng Trị (1 mẫu) có kết quả dương tính với virus CGC A/H5N1. Đáng lưu ý, tại thời điểm lấy mẫu, các đàn gia cầm không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, do các đàn gia cầm bán tại chợ được thu gom từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh nên việc truy xuất nguồn gốc không thực hiện được. 

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y - ông Đào Văn An nhận định, nguy cơ bùng phát các ổ dịch CGC trong thời gian tới là rất cao do vẫn có sự lưu hành virus trên các đàn gia cầm.

Tổn thất kinh tế, nguy cơ lây sang người

Tại Quảng Bình, lãnh đạo Sở NNPTNT cho biết, trong 7 tháng đầu năm, dịch CGC A/H5N1 đã xảy ra ở 2 xã của huyện Lệ Thủy làm 7.100 con gia cầm mắc bệnh, buộc tiêu hủy; bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 22 xã thuộc 4 huyện làm 1.296 con lợn mắc bệnh… 

Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm sức khỏe con người, động vật trên địa bàn tỉnh, Sở NNPTNT đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về nguy cơ, tác hại, dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng, chống một số bệnh trên gia súc, gia cầm; hướng dẫn người dân biết, chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh; quy định về hỗ trợ khi dịch bệnh xảy ra nhằm nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Bryan Kim - Phó Giám đốc quốc gia CDC Mỹ tại Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, các loại virus CGC như cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 vẫn tiếp tục gây ốm, chết trên đàn gia cầm, gây tổn thất lớn về kinh tế và gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh sang con người. "Không có nguy cơ nào lớn hơn nguy cơ đại dịch CGC và các bệnh lây truyền từ động vật sang người" - ông Bryan Kim nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, giám sát CGC và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật là cách tiếp cận toàn diện giúp Việt Nam khống chế CGC và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lực đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn. Từ đó, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem