Trần Cửu Long
Thứ hai, ngày 18/05/2020 19:57 PM (GMT+7)
Ngày 18/5, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu, đã có buổi khảo sát và làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về công tác tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang cho biết, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) nên đàn lợn của tỉnh giảm mạnh.
Ngành chức năng của tỉnh đã tiêu huỷ trên 167.000 con của 6.362 hộ. Kể từ ngày 21/4, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không còn xuất hiện bệnh DTLCP.
Đến nay, đàn lợn của tỉnh còn khoảng 325.000 con, bằng 59% so với cùng kỳ quý I/2019. Trong đó, đàn lợn nái giống sinh sản còn trên 18.000 con, nái hậu bị 20.000 con, lợn đực 455 con.
Cũng theo ông Mẫn, tính đến ngày 3/2/2020, tất cả các hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh đều đã nhận được tiền hỗ trợ để khôi phục sản xuất.
Ngay khi thời điểm DTLCP cơ bản được khống chế, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện giám sát chặt chẽ việc tái đàn lợn.
Theo đó, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi áp dựng các biện pháp an toàn sinh học trước khi tái đàn.
Ngay khi có chủ trương tái đàn, 16 trang trại chăn nuôi gia công đã đăng ký và được kiểm tra đánh giá đảm bảo đủ điều kiện an toàn sinh học. Sau đó, đã tái đàn với số lượng 29.830 con, góp phần khôi phục tái đàn lợn của tỉnh.
Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang đánh giá công tác tái đàn hiện nay diễn ra khá hiệu quả, tại các trang trại chăn nuôi quy mô, kể cả các trại tư nhân thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Dự kiến đến cuối năm nay, tỉnh Tiền Giang sẽ khôi phục đàn lợn trong tỉnh về tương đương với trước khi xảy ra dịch bệnh.
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, hiện nay, chăn nuôi lợn của Tiền Giang cũng như nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó, giá lợn đàn rất hấp dẫn người nuôi tái đàn. Chăn nuôi nhỏ lẻ thì rất khó thực hiện kiểm soát an toàn sinh học. Hiện tỉnh đang khuyến khích chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Năm nay, do tác động kép của DTLCP, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh Covid-19 nên tỉnh Tiền Giang đã chi hết ngân sách dự phòng của tỉnh.
Vì vậy, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT xem xét hỗ trợ 100% đề xuất phần kinh phí hỗ trợ còn lại của tỉnh (khoảng 194 tỷ đồng).
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, đối với vấn đề kinh phí hỗ trợ, đề nghị tỉnh Tiền Giang nhanh chóng hoàn thành các thủ tục hồ sơ cần thiết để có kinh phí duy trì, khôi phục sản xuất.
Lãnh đạo tỉnh nghiên cứu có cơ chế chính sách về đất đai, tín dụng để khôi phục chăn nuôi lợn và nhất là đẩy mạnh chăn nuôi lợn có quy mô lớn phát triển.
Về phía các cơ quan ban ngành của Bộ NNPTNT, Thứ trưởng đề nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y sớm tuyên truyền các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình phòng chống DTLCP hiệu quả đến các tỉnh, thành cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.