Tiền kim loại có còn cần thiết?

Thứ sáu, ngày 29/04/2011 11:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo dừng phát hành thêm tiền kim loại do những hạn chế trong lưu thông và đánh giá, nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng của loại tiền kim loại đã được đưa vào lưu thông từ năm 2003.
Bình luận 0

Rõ ràng trong nhiều năm gần đây, các loại tiền có mệnh giá thấp từ 5.000 đồng trở xuống (kể cả tiền giấy và tiền kim loại) gần như không còn được thông dụng vì theo như người tiêu dùng “không còn mua được gì”. Thực chất thì từng loại tiền mệnh giá nhỏ có thể không mua được gì nhưng nếu nhiều loại gộp lại cũng có thể sử dụng được.

Trong hầu hết các hệ thống tiền tệ trên thế giới, thành phần tiền kim loại lúc nào cũng hiện diện như ở Mỹ từ 1 xu, 5 xu, 10 xu, 25 xu, 50 xu và 1 USD. Trong các nước sử dụng đồng tiền chung euro có 1 xu, 2 xu, 5 xu, 10 xu, 20 xu, 50 xu, 1 euro và 2 euro... Nhật Bản có 1 yen, 5 yen, 50 yen, 100 yen và 500 yen...

Thành phần cấu tạo của tiền kim loại hiện nay thường là các hợp kim để giảm giá thành cho phù hợp với mệnh giá và còn tránh hiện tượng nấu chảy để lấy kim loại có giá trị như bạc, đồng, niken…

Có dịp đến các nước vừa nêu, ai cũng có thể thấy các loại tiền lẻ này được dùng nhiều thông qua các dịch vụ mua bán. Tất nhiên là loại tiền này tuy có đời sống dài hơn tiền giấy, nhưng có thể ít lưu hành do nhiều người cứ “bỏ xó” đâu đó. Trường hợp của Việt Nam cũng tương tự như vậy. Chính sự “bỏ xó” của người dân đã làm giảm lượng tiền trong lưu thông (có thể không lớn) và làm giảm áp lực lạm phát (thay vì tăng như có người lầm tưởng).

Một công dụng khá phổ biến của tiền kim loại là sử dụng trong các dịch vụ tự động như gọi điện thoại (vẫn còn khá phổ biến tại Mỹ), mua vé tàu điện ngầm và các loại máy bán sản phẩm tự động. Chắc chắn khi phát hành tiền kim loại, chúng ta cũng đã nghĩ đến công dụng này nhưng việc phát triển các loại dịch vụ này chưa cao.

Dừng phát hành thêm để nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng đồng tiền không có nghĩa là hết hiệu lực lưu hành và NHNN cũng cần nói rõ điều này để tránh ngộ nhận, gây thêm rắc rối đối với người dân. Ngoài việc sử dụng loại hợp kim phù hợp để giảm giá thành, đảm bảo giá trị của mệnh giá và khí hậu có độ ẩm cao như tại nước ta, kích thước của từng loại tiền cũng cần phải quan tâm để dễ dàng trong lưu thông. Tại nhiều nước, tiền kim loại còn có tác dụng khuyến khích trẻ con, học sinh tiết kiệm bằng cách bỏ ống và điều này cũng đã và đang có ở nước ta.

Tiền kim loại là một thành phần của hệ thống tiền tệ và cần được duy trì, đồng thời tạo lập một “văn hoá sử dụng” tiền kim loại trong nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem