Bố mẹ chồng tôi quê ở Yên Bái nhưng xuống Hà Nội sinh sống đã nhiều năm nay. Tết năm nào cả nhà tôi cũng về chúc Tết các bác, các chú trên quê nhà chồng, ăn xong bữa cơm tất niên thường là vào ngày 27 Tết rồi lại xuôi về Hà Nội đón giao thừa ở đây.
Như đã thành thông lệ, từ ngoài 20 Tết tôi đã chuẩn bị mua sắm đủ thứ đồ mang về quê, tiếp đến là đổi tiền lì xì mừng tuổi cho các cháu. Năm ngoái, vì là dâu mới, lại làm ăn khá khẩm nên tôi bỏ phong bao mỗi cháu 200.000 đồng. Năm nay chẳng hiểu sao kinh tế khó khăn, làm ăn thất bát khiến công sức cả năm đi tong, chỉ được hòa vốn.
Sau khi cân đối các khoản chi tiêu, thay vì tiêu tốn 40 triệu cho dịp Tết như năm ngoái, tôi hạch toán và rút gọn tiêu Tết chỉ 20 triệu đồng. Trong đó khoản phải giảm nhiều nhất chính là lì xì.
Năm ngoái, chỉ riêng tiền lì xì tôi đã đổi hơn 10 triệu, năm nay chỉ còn 6 triệu mà thôi. Tôi bỏ mỗi phong bao chỉ 100.000 đồng, riêng các cụ già mừng các cụ từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Mừng tuổi mỗi cháu 100.000 đồng vẫn bị chê ít...
Sau khi ăn xong bữa trưa tất niên tại nhà trưởng họ - anh trai của bố chồng tôi, tôi rút phong bao lì xì mừng tuổi các cháu.
Bọn trẻ con đứa nào cũng hồ hởi, riêng mấy đứa học cấp 2, lớn hơn thì có phần tỏ ra “thất vọng” khi bóc phong bao lì xì chỉ có 100.000 đồng. Thậm chí, có thằng bé cháu ruột bác trưởng họ còn cầm ngay phong bao chạy tới đưa mẹ nó rồi bảo: “Cô Hường mừng tuổi con, có 100 nghìn thôi”. Nói rồi nó chạy lăng xăng quanh mấy đứa còn lại đòi “bóc phong bao lì xì” xem liệu có đứa nào nhiều hơn.
Tôi ngượng chín mặt. Quả thực, năm ngoái khi tôi mừng tuổi mỗi đứa 200.000 đồng, đứa nào cũng vui, cảm ơn rối rít rồi đi khoe khắp nơi cả. Năm nay, chỉ giảm đi chút tiền mừng tuổi bọn nhỏ đã xị mặt ra ngay.
Tôi tự an ủi mình dù sao cũng là con trẻ, chưa biết ứng xử nên cũng chẳng trách làm gì. Thế nhưng, vừa chạy ra chợ mua chai nước rửa bát, về tới nhà gặp ngay cảnh mấy bà chị dâu đang túm năm, tụm ba ngồi bàn tán. Thậm chí mẹ của thằng bé kia còn nguýt dài: “Gớm tưởng thế nào, ở tận thành phố về mừng tuổi các cháu được 100 nghìn. Mà một năm mới về 1 lần, đúng là kẹt xỉ y như mẹ chồng nó”.
Tôi chết điếng người! Quả thực, tôi khá lăn tăn khi chỉ có thể mừng tuổi các cháu kém hơn năm trước. Những lời nói thốt ra từ miệng chị dâu khiến tôi vừa thấy xót xa, vừa thấy có chút coi thường. Gia đình tôi làm ăn kinh doanh cũng vất vả, cực nhọc sớm hôm, dù cuộc sống có khá hơn so với các bác, các anh chị ở quê một chút, nhưng không có nghĩa giàu có, dư thừa.
Nhất là năm vừa qua, việc đầu tư thất bại khiến tôi chẳng còn một xu dính túi. Tôi đã cố gắng tiết kiệm, vay mượn thêm để chi tiêu cho một cái Tết đủ đầy cả bên nội, bên ngoại, vậy mà bọn trẻ chưa biết suy nghĩ thốt lên lời nói vậy, nhưng các chị dâu của tôi – những người mẹ, người vợ đã chín chắn, trưởng thành cũng có thể nghĩ như vậy về tôi sao?
Mới mùng 2 Tết thôi, mà sao tôi đã mong Tết qua thật nhanh, tôi sợ Tết lắm rồi!
Người ta sợ đi bê tráp mất duyên còn cô gái này thì chỉ mong còn duyên với việc bê tráp cưới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.