Tiến sĩ Đại học Stanford: "Nhiều đứa trẻ học giỏi nhưng cảm thấy rất cô đơn"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 04/12/2022 07:44 AM (GMT+7)
TS Nguyễn Chí Hiếu nhận định: "Chúng ta đang thiết kế dần dần cho đứa trẻ mới sinh ra đã phải tập trung chạy theo thước đo học thuật, năng lực. Nhiều đứa trẻ học giỏi nhưng cảm thấy rất cô đơn...".
Bình luận 0

Khi được hỏi "Có bao nhiêu bố mẹ mong muốn con mình sau này sẽ thành công?", đã có rất nhiều cánh tay giơ lên trong hội trường. Và khi được hỏi "Có bao nhiêu bố mẹ muốn con mình được hạnh phúc?", cũng không ít người mong muốn điều này. Vậy thước đo thành công hay hạnh phúc mới quan trọng trong cuộc sống của một đứa trẻ?

Hạnh phúc quyết định thành công hay thành công mới thấy hạnh phúc? - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh mong muốn con vừa thành công vừa hạnh phúc trong tương lai. Ảnh: Tào Nga

Trải nghiệm sẽ là những viên sỏi lấp dần đầy

Chia sẻ với PV báo Dân Việt trong buổi trò chuyện "Để con được hạnh phúc hay thúc trẻ thành công" tại Trường Phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội, TS. Nguyễn Chí Hiếu - Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Stanford; Thủ khoa MBA tại Đại học Oxford, Giám đốc học thuật Trường PTLC Olympia, hiện theo học chương trình Thạc sỹ Triết học và Giáo dục tại Đại học Sư Phạm, Columbia, Mỹ - cho biết, trong 15 năm làm trong lĩnh vực giáo dục, anh thấy phụ huynh có 3 điểm chung là kỳ vọng vào con; không hiểu con hoặc khiến con mất đi động lực học tập. 

"Có một câu của một nhà giáo dục nổi tiếng "Hạnh phúc chỉ đơn giản là bạn quản trị sự chênh lệch giữa kỳ vọng và năng lực". Có thể năng lực của con chỉ ở mức này nhưng kỳ vọng của bố mẹ lại ở mức khác. Kỳ vọng của phụ huynh không phải là của đứa trẻ. Kỳ vọng của bố mẹ chỉ nên rướn lên trên một chút năng lực của con", TS Chí Hiếu nêu.

Vậy, hạnh phúc quyết định thành công hay thành công mới thấy hạnh phúc?

Hạnh phúc quyết định thành công hay thành công mới thấy hạnh phúc? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu. Ảnh: Tào Nga

TS Chí Hiếu cho hay: "Có cuộc khảo sát tại một nhóm trẻ sống và học trong cùng bối cảnh. Với những đứa trẻ từ 4 tuổi chỉ biết học và một nhóm chỉ biết chơi thì khi vào tuổi đi học, nhóm 1 sẽ vượt trội về điểm số, phụ huynh rất hạnh phúc nhưng khoảng trống năng lực học tập dần bị thu hẹp khi lên lớp 7, 8.

Ngược lại, nhóm 2 điểm số ban đầu thấp hơn nhưng sau đó có sự vượt trội hơn nhóm 1 và có những mối quan hệ với bố mẹ, người thân, những người xung quanh nhiều hơn. 

Vì sao con người chúng ta không khỏe mạnh bằng cọp, gấu, sư tử…? Giai đoạn tuổi thơ của động vật ngắn hơn so với con người vì chúng tập trung phát triển sức mạnh thể chất, ăn và chiến đấu. Tuổi thơ con người kéo dài 6-10 năm để dành thời gian tương tác xã hội, thiết lập mối quan hệ xung quanh. Thế nhưng hiện nay một số phụ huynh lại đi ngược với quy luật này. Chúng ta đang thiết kế dần dần cho đứa trẻ mới sinh ra đã phải tập trung chạy theo thước đo học thuật, năng lực. Nhiều đứa trẻ học giỏi nhưng cảm thấy rất cô đơn".

Theo TS Chí Hiếu, trường học cũng như gia đình, đây là hai môi trường để đứa trẻ vận hành. Chúng ta có những kỳ thi sẽ rất tốt cho trẻ được thử sức, va chạm nhưng quá nhiều kỳ thi thì lại không tốt. Kỳ vọng điểm số cao nên chỉ chúng ta chỉ chăm chăm vào điểm số cao. Nhiều bạn điểm IELTS đáng nể nhưng lại cảm thấy chán khi cầm một quyển sách đọc. Năng lực để đi thi khác năng lực học trọn đời.

Tiến sĩ Đại học Stanford nhận thấy rằng, thầy cô ngày nay cũng chạy theo guồng của phụ huynh. Bài tập hôm nay chưa làm có thể 10 năm sau sẽ làm được nhưng thái độ sống phải dạy ngay cho trẻ bởi mai này ra đời, hệ lụy còn lớn hơn nhiều. 

"Hạnh phúc là không phải dạy cho đứa trẻ trốn nỗi đau mà quản trị nỗi đau đó. Bố mẹ ly dị, bố mẹ cấm cản, trượt ngôi trường yêu thích... khiến trẻ không muốn về nhà. Chúng ta không giúp trẻ tránh nỗi đau mà hãy để trẻ hạnh phúc dù điều đó có diễn ra", TS Chí Hiếu chia sẻ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là hãy để con được hạnh phúc hay thúc trẻ thành công? Theo TS Chí Hiếu, có 3 điều phụ huynh cần lưu ý. Mỗi đứa trẻ có một tính cách riêng, sức chịu đựng áp lực riêng và cha mẹ cần là người hiểu con để biết chúng ta nên để con trong vùng an toàn hay kéo con ra xa hơn. 

Bên cạnh đó, trẻ cũng cần có người cảm thấy yên tâm để tâm sự những điều thầm kín nhất và gợi mở hướng suy nghĩ. Và cuối cùng là khi kết quả không đạt như kỳ vọng, bố mẹ có chấp nhận buông bỏ hay không. Chính bố mẹ phải quản trị lại chính kỳ vọng của mình.

"Tôi muốn gửi gắm tới các phụ huynh rằng, hãy cho trẻ thời gian để khám phá và cho trẻ đi đến cùng của việc lựa chọn. Trẻ chỉ thành công, xuất sắc nếu như được chạm đến niềm đam mê. Nếu đó chưa phải là đam mê thì trải nghiệm đủ dài đó sẽ những viên sỏi lấp dần đầy giúp trẻ ứng phó với cuộc đời.

Và điều quan trọng không kém chính là cha mẹ hãy dành thời gian sống với con nhiều hơn trước khi con bay ra khỏi vòng tay của mình để ngồi luyến tiếc mong có thêm nhiều thời gian. Chúng ta thường đốt cháy cả tuổi thơ của đứa trẻ để đi mua sự hoàn hảo. Cái giá phải trả là hạnh phúc ở thì hiện tại của nó", TS Chí Hiếu nói.

Hạnh phúc mà chỉ nói đến thành công là sai lầm của thế giới học thuật

Dịch giả - Họa sĩ Trịnh Lữ, cựu phóng viên, biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam; thạc sĩ chuyên ngành Truyền thông tại Trường ĐH Cornell, Mỹ; dịch giả nổi tiếng chuyển ngữ rất thành công nhiều tác phẩm văn học khẳng định: "Hạnh phúc là thành công lớn nhất. Nhiều người thành công khi đạt được ở các mục tiêu kinh tế, chính trị… nhưng trong lòng không biết mình đang ở đâu, hi sinh để làm gì. Sống làm sao để hạnh phúc chứ không phải sống thế nào để thành công.

Hạnh phúc quyết định thành công hay thành công mới thấy hạnh phúc? - Ảnh 3.

Dịch giả - Họa sĩ Trịnh Lữ. Ảnh: Tào Nga

Hạnh phúc không phải điều gì đó xa vời mà chỉ là cảm giác được thỏa mãn, sung sướng từ những điều đơn giản nhất. Đó là đứa trẻ được mẹ đón học về, là người bố say mê chụp ảnh tạo thành album cho con, là những buổi cùng con trải nghiệm đi dã ngoại, đọc sách... Hạnh phúc mà chỉ nói đến thành công là sai lầm khủng khiếp của thế giới học thuật".

Theo thạc sĩ Trịnh Lữ, người hạnh phúc là người dũng mãnh, dám đương đầu với những vấn đề khó khăn của cuộc sống và vượt qua được nó với những suy nghĩ tích cực. Biến thách thức thành cơ hội. Người đó phải đủ sức mạnh tinh thần, tỉnh táo để vượt lên trên chứ không phải nghĩ mình là nạn nhân.

Để có được điều đó thì từ nhỏ, bố mẹ phải cho con tự lực, tự làm mọi việc. Chúng ta chỉ tập trung vào học thuật, kỹ năng mà bỏ quên việc rèn luyện thái độ sống cho con. 

"Phụ huynh không nên coi con mình là món đầu tư, sinh ra con phải thành công, thực hiện ước mơ của mình. Con ra đời là cá nhân độc lập vì vậy bố mẹ là người khuyến khích con phát triển chứ không phải áp đặt con. Điều này rất quan trọng nhưng thực hiện thì rất khó.

Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường cũng vô cùng quan trọng. Trẻ đến trường là rời xa vòng tay cha mẹ, ra đời với những mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, với những trách nhiệm, đòi hỏi khác nhau. Chính vì vậy, thầy cô cần là người làm gương, truyền cảm hứng, thúc đẩy cho trẻ phát triển. Nếu trường nào khiến thầy giáo trở thành bạn lớn của học sinh thì đó là ngôi trường lý tưởng chứ không phải đến trường là sợ sệt, khép nép.

"Mong phụ huynh hãy lấy tình yêu để sống với con chứ đừng lấy tham vọng nuôi nấng con. Một đứa trẻ hạnh phúc là được làm điều mình thích, say mê với cuộc sống. Đứa trẻ đó chắc chắn là người thành công", thạc sĩ Trịnh Lữ bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem