Nữ sinh thay đổi cuộc đời từ 3 bài học "không có trong giáo án" của thầy giáo

Tào Nga Thứ bảy, ngày 03/12/2022 17:16 PM (GMT+7)
"Hãy cứ khóc đi, nếu còn khóc được thì đó là một điều may mắn!", thầy đã nói vậy trong ngày gặp lại. Thầy đã khóc rất nhiều. Tôi cũng vậy", chị Tống Liên Anh chia sẻ.
Bình luận 0

Ai rồi cũng phải lớn, rồi cũng phải đi qua năm tháng đầy ắp kỷ niệm tuổi học trò. Có thể với nhiều người, ngôi trường chỉ đơn giản là kỷ niệm về nơi có thầy cô, bạn bè và những bài học hay trong sách vở. Tuy nhiên, với chị Tống Liên Anh, cựu học sinh Trường Marie Curie, Hà Nội, khóa 2001-2004 ngôi trường còn là nơi lưu dấu ấn mãi mãi trong ký ức tuổi học trò cũng như làm thay đổi rất nhiều về niềm tin và những giá trị mà chị theo đuổi trong cuộc sống sau này.

Tốt nghiệp ra trường 18 năm, những kỷ niệm về trường xưa vẫn còn vẹn nguyên với chị Liên Anh. Trong đó, có 3 "cú sốc" chị gặp phải để rồi mà từ đó chị cũng nhận được 3 bài học lớn "không có trong giáo án" từ một thầy giáo đã truyền động lực cho chị. 

img
img
img

Chị Liên Anh gặp lại người thầy không đứng trên bục giảng đã cho chị nhiều bài học lớn. Ảnh: NVCC

Chị Liên Anh kể lại: "Kỷ niệm thứ nhất là điểm 5 môn Tiếng Anh. Ngay tuần đầu tiên, cô nữ sinh miền núi sợ nhất môn Tiếng Anh đã bị gọi lên bảng và đứng như hoá đá trước cả lớp. Cố mãi, cô giáo vớt vát cho 5 điểm. Hôm ấy, tôi đã khóc rất nhiều và quyết định từ đó, Tiếng Anh là môn mà mình học giỏi nhất trong những năm cấp 3. Hết học kỳ I, tôi đứng đầu lớp. Hết năm lớp 10, tôi được nhận mức học bổng cao nhất của trường. Sang lớp 11, tôi đoạt giải HSG thành phố môn Tiếng Anh.

Thầy đã nói với tôi: "Liên Anh à, em đã làm nên một kỳ tích đấy!". Giây phút đó, tôi nghĩ rằng, một người chẳng có gì đặc biệt như mình cũng có thể làm nên kỳ tích. Kỳ tích hoá ra chẳng phải là chuyện dời non lấp bể mà chỉ là nỗ lực vượt lên chính mình, kiên định và bền bỉ dốc lòng để đi đến đích mong ước. Tôi đã mang theo câu nói ấy mãi về sau để mỗi lần thoái chí hay vấp váp lại nhắc nhở mình đứng dậy bước tiếp và kiên cường.

Kỷ niệm thứ hai là với cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia". Tôi bị loại ngay vòng 1 - cú shock lớn đánh thẳng vào lòng kiêu hãnh của tôi. Thời điểm đó, gia đình tôi mới tạm ổn sau biến cố lớn nhưng vẫn còn rất khó khăn. Tôi lên Hà Nội ở cùng bố trong khu trọ cùng các cô chú đồng nát, xích lô, xe thồ. Giữa các bạn có điều kiện tốt hơn rất nhiều, tôi tin rằng, giá trị duy nhất của bản thân nằm ở chỗ mình phải thật giỏi, xuất sắc nhất, luôn đứng đầu.

Thất bại này cho tôi nhận ra, dù nỗ lực đến mấy, tôi cũng không thể là người xuất sắc nhất và tôi không cần phải là người xuất sắc nhất để được yêu thương. Sau cuộc thi, có lẽ là thời gian tôi cảm nhận được nhiều tình yêu hơn bao giờ hết từ thầy cô, bạn bè. Tôi đã học được bài học về việc chấp nhận, về thứ gọi là tình yêu vô điều kiện.

Kỷ niệm thứ ba là về việc nghỉ học. Do sức khỏe không tốt nên tôi nghỉ học rất nhiều, có khi cả tuần bởi những bệnh lặt vặt như: chóng mặt, tiền đình, cảm nóng, cảm lạnh.

Có lần tôi đi học trở lại sau đợt nghỉ dài thì gặp thầy ở cầu thang. Thầy đã mời tôi lên phòng uống nước. Thầy không trách mắng câu nào. Thầy bảo: "Thầy nghe nói sức khoẻ của em rất yếu. Nếu cần bất cứ điều gì từ các thầy cô hoặc các bạn, đặc biệt là từ thầy thì em cứ nói. Em hãy nhớ là em luôn nhận được sự hỗ trợ tối đa của thầy".

Tôi không bao giờ quên ánh mắt hiền từ của thầy khi ấy. Mỗi lần nghĩ tới nghề giáo, nghĩ về người thầy, tôi lại nhớ tới ánh mắt đó. Nếu học ở một ngôi trường nghiêm khắc với những quy định cứng nhắc, có lẽ tôi đã trở thành học sinh cá biệt. Nhưng ở ngôi trường này, tôi đã nhận được quá nhiều sự bao dung, tin cậy và tình yêu thương để bước tiếp trên con đường học tập và trưởng thành của mình.

Nữ sinh thay đổi cuộc đời từ 3 bài học "không có trong giáo án" của thầy giáo - Ảnh 2.

Chị Liên Anh từng đỗ ĐH Ngoại thương, du học Australia và giờ là chuyên gia giáo dục. Ảnh: NVCC

Tôi tin rằng, hơn 2.000 cựu học sinh có mặt tại sân trường đêm hôm ấy và hàng nghìn học sinh không thể trở về vì những lý do công việc, khoảng cách địa lý…, mỗi người sẽ có những kỷ niệm riêng, ký ức riêng, cảm xúc riêng… Nhưng có lẽ, những giá trị và tình yêu mà chúng tôi nhận được từ thầy và MC đều giống nhau. Đó là bài học về sự nỗ lực vượt qua bản thân và hoàn cảnh để lĩnh hội tri thức. Nhưng quan trọng hơn hết là bài học về tình yêu - thứ đã chạm đến trái tim tôi sâu sắc hơn hết thảy dù thầy chưa từng một lần trực tiếp đứng lớp.

Trở về, còn được gặp thầy, ôm thầy mà khóc, nhắc lại bao điều đã qua… là một món quà quá lớn. Thầy bảo, sau này nếu hoá thành mây trên trời thì thầy vẫn ở quanh đây, vẫn nghe các em hát, ngắm nhìn và dõi theo các em trên những bước đường… Thầy bảo, lẽ ra thầy nên viết tên em 30 lần hoặc nhiều hơn thế nữa, chứ không phải chỉ 3 lần "Tống Liên Anh, Tống Liên Anh, Tống Liên Anh" như trong lưu bút… Thầy vừa nói vừa rơi nước mắt. Chúng tôi cũng rơi nước mắt vì với chúng tôi, thầy chẳng bao giờ ở đâu xa mà luôn ở trong trái tim…".

Clip ngày trở về của chị Liên Anh. Nguồn: NVCC

Người thầy trong câu chuyện của chị Liên Anh không ai khác đó chính là thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie. 

Chị Tống Liên Anh hiện là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, tham gia nhiều chương trình, dự án liên quan của các tổ chức như UNESCO, DVV International, SEAMEO CELLL với vai trò là chuyên gia/ cố vấn. Bên cạnh đó, chị là thành viên của PIMA - Mạng lưới Chuyên gia, Nhà hoạt động xã hội và Học giả về Giáo dục người lớn và Học tập suốt đời quốc tế.

Sau tốt nghiệp phổ thông, chị Liên Anh đỗ Trường Đại học Ngoại thương và nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc (Australia Awards Scholarship) để theo học. Chị tốt nghiệp loại xuất sắc Chương trình Thạc sĩ giáo dục tại Đại học Monash, Úc vào năm 2018. Ngoài ra, chị cũng hai lần nhận học bổng của Viện Học tập suốt đời của UNESCO (CONFINTEA VI Fellowship năm 2016 và Policy Scholarship năm 2020). Chị Liên Anh còn được biết đến là một dịch giả của một số cuốn sách best-seller và là một chuyên gia khai vấn (professional certified coach) được chứng nhận bởi Liên đoàn khai vấn quốc tế ICF.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Liên Anh thổ lộ: "Tôi ít có dịp gặp lại thầy và về thăm trường nhưng trong tương lai tôi mong muốn sẽ kết nối, hỗ trợ nhiều hơn cho thế hệ học sinh của trường thông qua các hoạt động chia sẻ, tọa đàm về các chủ đề hướng nghiệp, giáo dục. Đó chính là tinh thần “pay it forwards”, trao truyền lại những giá trị mà mình đã được may mắn đón nhận và cũng là sự tri ân của tôi với thầy cô và ngôi trường đã cho tôi những bài học “không có trong giáo án” mà tôi mang theo suốt cuộc đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem