Một nữ sinh trải nghiệm 13 công việc khác nhau mới chọn được ngành học phù hợp

Tào Nga Thứ ba, ngày 28/02/2023 14:49 PM (GMT+7)
Đứng trước băn khoăn của nhiều học sinh không biết phù hợp với ngành nghề nào, Tiến sĩ Trương Thị Hoa gợi ý hãy trải nghiệm ngành nghề, trải nghiệm các hoạt động để hiểu về bản thân mình.
Bình luận 0

Tại buổi tọa đàm hướng nghiệp "Hành trình quyết định tương lai" được tổ chức tại Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội sáng 28/2, em Trần Khánh Giang, học sinh lớp 12 của trường đặt câu hỏi: "Chỉ còn vài tháng nữa là thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học nhưng có học sinh vẫn chưa định hướng được nghề nghiệp tương lai vì học đều tất cả các môn. Thậm chí có bạn đã làm trắc nghiệm nhưng cũng không thích những ngành gợi ý. Vậy các em phải làm thế nào?".

Chọn ngành nào, trường nào là băn khoăn, lo lắng của nhiều học sinh hiện nay khi đứng trước bước ngoặt lớn cuộc đời. Không ít trường hợp các em đã đặt bút lựa chọn rồi cuối cùng lại hối hận với quyết định của mình. 

Nữ sinh trải nghiệm 13 công việc khác nhau mới chọn được ngành học phù hợp - Ảnh 1.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ảnh: Tào Nga

Cô Bùi Thu Nga, giáo viên Sinh, trường THCS & THPT Lương Thế Vinh có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và công tác định hướng nghề nghiệp chia sẻ: "Trong 24 năm qua, tôi gặp nhiều trường hợp học sinh quay lại trường trong vui vẻ, tự hào khi lựa chọn đúng ngành nghề. Có thể kể đến em Phương Thảo, học sinh tôi từng là chủ nhiệm lớp. Ngay từ khi vào lớp 10 em đã theo học ban A và trở thành bác sĩ Răng Hàm Mặt. Em đã thi đỗ ngành học yêu thích và bây giờ chuẩn bị đi sang Nhật học thạc sĩ. Đây là trường hợp định hướng sớm và đã thành công. 

Thế nhưng cũng có trường hợp định hướng chưa chính xác. Cùng lớp với Phương Thảo là một bạn nữ khác thích học Công nghệ thông tin. Đây là một ngành hot được rất nhiều học sinh mơ ước. Tuy nhiên, bố mẹ và thầy cô nhìn thấy tính cách em không phù hợp nên khuyên vào sư phạm. Em kiên quyết theo con đường mình chọn và vào ngôi trường hot nhất ở Hà Nội đào tạo ngành Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sau nửa năm, em học sinh này quyết định dừng lại và thi vào ngành Sư phạm Toán".

Ngay bản thân cô Nga cũng rơi vào tình huống tương tự. Cô từng có ước mơ ngành Y và thấy tính cách của con trai phù hợp nên tư vấn, định hướng cho con học chuyên Hóa. Tuy nhiên, sang lớp 11, dù đã đủ tiêu chuẩn đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội nhưng con trai cô rẽ sang thích Công nghệ thông tin. Suốt một thời gian 2 mẹ con căng thẳng với nhau. Sau đó, cô Nga tôn trọng quyết định này và hiện tại con cô đang rất vui vẻ với lựa chọn của mình. 

Nữ sinh trải nghiệm 13 công việc khác nhau mới chọn được ngành học phù hợp - Ảnh 2.

Cô Bùi Thu Nga, giáo viên Sinh, trường THCS & THPT Lương Thế Vinh chia sẻ trong buổi tư vấn nghề nghiệp. Ảnh: Tào Nga

"Có thể thấy nhiều yếu tố tác động đến việc lựa chọn ngành nghề nhưng quan trọng là các em biết năng lực, sở thích của mình ở đâu, cùng với trải nghiệm để biết được mình thích gì", cô Nga nhấn mạnh.

5 bước lựa chọn ngành nghề

Theo Tiến sĩ Trương Thị Hoa, giảng viên khoa Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Sự phạm Hà Nội, có 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hướng nghiệp: "Khi muốn định hướng nghề nghiệp, phải tìm hiểu bản thân mình có sở thích, khả năng, năng lực học tập như thế nào. Có 5 bước lựa chọn ngành nghề phù hợp đó là hiểu bản thân, hiểu ngành nghề, hiểu trường, trải nghiệm và lập kế hoạch.

Có tới 80% học sinh băn khoăn không biết mình thích nghề gì. Bước đầu tiên các em cần làm là hiểu bản thân. Trắc nghiệm nghề nghiệp chỉ là một tiêu chí tham khảo. Còn cách khác là trải nghiệm ngành nghề, trải nghiệm thông qua hoạt động, hỏi ý kiến thầy cô cha mẹ, nhìn nhận lại quá trình học tập, viết nhật ký về những hoạt động mình tham gia. Có một học sinh từng trải nghiệm 13 công việc khác nhau, từ giúp việc; shipper, bưng bê nhà hàng, gia sư... Và cuối cùng em đó đã quyết định chọn nghề giáo viên. Các em hãy ra khỏi vùng an toàn để biết mình có khả năng gì và thích gì".

Trước câu hỏi có nên dựa vào kết quả học tập lựa chọn nghề nghiệp của mình, Tiến sĩ Hoa kể câu chuyện về một học sinh rất giỏi Văn. Em này đã quyết định thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để trở thành cô giáo. Khi vào trường đại học, nữ sinh này học rất tốt cho đến khi đi kiến tập gặp trở ngại là run không thể giảng bài được. Dù luyện tập nhiều nhưng em vẫn không thể đứng nói được trên bục giảng. Làm giáo viên không chỉ học giỏi Văn mà còn phải có khả năng giảng giải, thuyết phục, hỗ trợ học trò. Sau đó, nữ sinh này chuyển sang làm nghề viết nội dung quảng cáo. 

Qua câu chuyện này cho thấy, có khả năng học tập nhưng còn phải dựa vào yếu tố khác là khả năng của bản thân trước khi lựa chọn ngành nghề. "Các thầy cô giáo trong trường có nhiều kinh nghiệm, có phương pháp sư phạm sẽ giúp các em định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, các giờ ngoại khóa, hướng nghiệp sẽ giúp ích cho các em có thêm các thông tin trước khi quyết định. 

Nữ sinh trải nghiệm 13 công việc khác nhau mới chọn được ngành học phù hợp - Ảnh 3.

Tiến sĩ Trương Thị Hoa, giảng viên khoa Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Sự phạm Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Tuy nhiên, gia đình không thể thiếu trong việc đồng hành cùng các em. Cha mẹ là người hiểu các em nhất, biết được năng lực, sở trường của các em là gì, tài chính của gia đình đến đâu... để các em lựa chọn ngành và trường phù hợp.

Nói về băn khoăn của học sinh khi xã hội có sự thay đổi các ngành nghề, Tiến sĩ Hoa cho hay: "Chúng ta phải xác định xu hướng ngành nghề, có thể có những ngành phát triển trong tương lai nhưng cũng có những ngành giảm nhân lực. Tôi vẫn khẳng định để đứng vững trong thị trường thay đổi thì phải chuẩn bị kỹ năng tốt ngoài chuyên môn. Có kỹ năng tốt, chúng ta sẽ linh hoạt để tiếp cận với nghề mới. Ngoài trang bị kiến thức phổ thông cơ bản, sở thích thì phải trang bị kỹ năng mềm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem