Nơi bản nghèo chịu đại tang
Từ trung tâm xã vào bản La Pán Tẩn chỉ chừng 4km nhưng do con đường vào đây vô cùng lầy lội nên xe phải để ngoài xã rồi lãnh đạo tỉnh, huyện và các đoàn từ thiện... đều lội bộ vào.
|
Các nạn nhân thoát chết đang được điều trị tại Bệnh viện Nghĩa Lộ. |
Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến là nhà của 3 nạn nhân Hảng Tống Chua và vợ Thào Thị Của cùng con trai Hảng A Giàng ở bản La Pán Tẩn. Nhà có 7 người thì tới 3 người bị vùi sâu trong đống đất đá kia. Khi chúng tôi đến, mẹ ông Chua đang ngồi thẫn thờ nhìn vào bếp lửa đã lụi tắt tự bao giờ. Chị Cô - vợ Hảng A Giàng cứ đứng nép góc cửa khóc ngất. Ông Hảng A Trừ - em trai ông Chua chua chát nói: “Giờ chỉ còn bà mẹ già và 3 đứa con gái. Con Cô lại đang chửa vượt mặt lên thế kia, lấy ai làm lụng nuôi cả nhà cơ chứ?”.
Tính ra, trong vụ sạt đất thảm khốc này, không đâu đau đớn như bản La Pán Tẩn. Cả bản có 9 người gặp nạn thì ở một góc bản nho nhỏ này, với 3 nóc nhà đã có tới 7 người chết.
Ông Giàng A Tông - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải không giấu nổi sự đau xót: “Huyện, xã cũng đã có chỉ đạo, nhắc nhở từng gia đình không được tham gia mót quặng. Thế mà chỉ vì ham kiếm tiền mà xảy ra đại tang thế này!”. Nghe ông Tông nói, chúng tôi nhớ đến Hảng A Lâm (SN 1990), người thoát chết trong gang tấc của vụ sạt núi kinh hoàng chúng tôi gặp lúc lên bản.
Lâm kể mà gương mặt chưa hết bàng hoàng: “Hôm đó em bị mất cái máng đãi quặng nên quay lại tìm. Vừa đi được một đoạn, em nghe tiếng ầm ầm của đất lở, đá lăn đằng sau”. Định hình lại, sau khi hiểu chuyện gì xảy ra, Lâm lao vào và chỉ nhìn thấy 2 người nửa chìm, nửa nổi trên lớp bùn đất. Cố hết sức, cuối cùng Lâm cũng lôi được Hảng A Thắng và Hảng A Nắng (cùng ở La Pán Tẩn) ra...
Nỗi kinh hoàng của người sống sót
Hiện tại, Hảng A Nắng (21 tuổi) và Hảng A Thắng (19 tuổi) đã qua cơn nguy kịch, nhưng với họ những giây phút vừa trải qua vô cùng kinh hoàng và khiếp đảm. Nắng thều thào kể: Chúng em đã đi làm được 3 ngày, vì trời mưa, quặng lộ ra nhiều dễ móc.
Hôm đó, khoảng 10 giờ, đang đãi quặng thì thấy nhiều bùn và đá nhỏ rơi xuống, nghi bị sạt lở đất, em bỏ lên trên ngồi. Một lúc sau không thấy gì, em lại chui xuống làm tiếp. Khoảng 20 phút sau thì nghe thấy tiếng ầm ầm rồi bùn đất trôi xuống. Em chỉ chạy được khoảng 5m thì bị dòng đất đá trùm lên từ chân đến đầu, rồi em ngất đi không biết gì nữa”.
Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân tai nạn
Trong công điện ngày 9.9, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân những gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích và bị thương trong vụ sạt lở đất đá tại huyện Mù Cang Chải. Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tại nạn nêu trên, báo cáo Thủ tướng. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định.
D.H
Nắng cho biết: “Em mới lấy vợ được 7 tháng, vợ đang có bầu. Nghĩ đi làm để kiếm tiền cho vợ sinh em bé nhưng bây giờ sợ lắm rồi, không dám đi làm quặng nữa. Nếu khỏe được thì đi làm ngô, làm nương thôi”. Nói xong, Nắng khóc tồ tồ khiến cho một góc bệnh viện tràn lên một niềm thương cảm. Nắng thoát chết, nhưng gia đình Nắng có đến 4 người gặp nạn, trong đó có 2 anh trai, chị dâu và 1 đứa cháu. Còn nỗi đau nào lớn hơn thế?
Cũng đang nằm điều trị tại Bệnh viện huyện Nghĩa Lộ, Hảng A Thắng bảo, từ nay em xin bỏ nghề mót quặng thôi dù đây mới là lần thứ 2 em đi làm. Hỏi, đi làm thế có được nhiều tiền không, Thắng bảo: Có kiếm được nhiều tiền thì bây giờ cũng không ham nữa...
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mai - người đang điều trị cho 2 bệnh nhân này, hiện cả 2 đã qua cơn nguy kịch. “Họ thoát chết nhưng cần đề phòng sốc có thể gây nguy hiểm cho 2 nạn nhân này”- bác sĩ Mai cho biết.
Nỗi đau chưa dừng lại
Rời bản làng, rời bệnh viện, chúng tôi cắt rừng quay trở lại điểm xảy ra vụ tai nạn thảm khốc. Tại đây, cuộc tìm kiếm người mất tích vẫn đang được tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, do lượng đất đá sạt lở quá lớn, thông tin về người mất tích lại thiếu vì các nạn nhân khác đều đã tử vong hoặc đang cấp cứu, nên lực lượng cứu hộ phải làm việc hết mình bất kể ngày đêm. "Biết đâu, ngay trong xẻng đất này hoặc xẻng đất gần nhất, tôi lại thấy được nạn nhân" - anh Hàng A Tu - một người dân đang tham gia cứu hộ tâm sự.
Ngồi bên con dốc còn ngổn ngang đá hộc, chị Thào Thị Sầu một tay bế đứa con mới hơn một tháng tuổi, một tay gạt nước mắt khóc than cho người chồng xấu số là anh Lý A Lềnh, bị đất chôn vùi mà vẫn chưa tìm thấy xác. Giờ chị biết làm thế nào với một nách 5 đứa con. Ngồi bên cạnh chị Sầu là đứa con gái cả và chị ruột của anh Lềnh. Chị của anh Lềnh còn chịu thêm một nỗi đau khi mà đứa em trai của chị - anh Lý A Sinh cũng bị đất đá vùi mất xác mà chưa tìm thấy. Chỉ riêng gia đình chị Sầu đã mất 2 người, trong số 6 người của bản Trống Páo Sang.
Có mặt tại hiện trường, nhiều người dân sống lâu năm tại địa phương tâm sự với chúng tôi, vụ tai nạn xảy ra là rất đáng tiếc, nhưng nếu còn khai thác quặng kiểu này, chẳng ai biết được núi lại sập xuống lúc nào. Một người dân chỉ tay về ngọn núi, nói: “Núi Kháo Nhà (mỏ bạc) rỗng ruột hết rồi. Doanh nghiệp, rồi người dân đua nhau khoét núi để khai thác quặng thì chỉ cần một trận mưa lớn là sớm muộn tử thần cũng tìm đến thôi...”.
Gia Tưởng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.